Tết này hết quá tải rút tiền tại ATM?
'Theo nhận định của chúng tôi lượng người rút tiền mặt tại các cây ATM dịp cuối năm nay sẽ không cao như mọi năm', ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nói
Xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử giúp phân tải từ hệ thống ATM sang hệ thống thanh toán khác, vì vậy lượng người rút tiền mặt tại các cây ATM dịp cuối năm nay sẽ không cao như mọi năm.
“Theo nhận định của chúng tôi lượng người rút tiền mặt tại các cây ATM dịp cuối năm nay sẽ không cao như mọi năm”, đây là chia sẻ của ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) – tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 28/12/2021.
Theo ông Dũng, căn cứ để NHNN đưa ra nhận định trên là nhiều người lao động, nhất là công nhân bị giảm sút về thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên nhiều khả năng sẽ không rút tiền mặt nhiều từ ATM như mọi năm. Quan trọng hơn, xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử giúp phân tải từ hệ thống ATM sang hệ thống thanh toán khác, như chuyển tiền nhanh 247, thanh toán qua di động, thanh toán qua các điểm chấp nhận thẻ,….
“Do đó chúng tôi tự tin nhu cầu rút tiền mặt sẽ không cao như mọi năm, ngành ngân hàng sẽ đáp ứng được tốt nhu cầu rút tiền mặt của dân cư”, ông Lê Anh Dũng khẳng định.
Người dân xếp hàng tối muộn để rút tiền trước Tết năm 2021 tại cây ATM thuộc khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). |
Về khả năng hoạt động liên tục của hệ thống, NHNN đã có công văn hướng dẫn chỉ đạo quyết toán cuối năm, giao nhiệm vụ cho các TCTD và Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) về việc đảm bảo an toàn liên tục.
Hiện nay Napas có thể xử lý khối lượng giao dịch rất lớn, lên tới 7 triệu giao dịch/ngày và vẫn đảm bảo an toàn, trong đó có những giao dịch thẻ ATM và giao dịch chuyển tiền 247. Đây là cơ sở để NHNN tự tin hệ thống sẽ vẫn hoạt động thông suốt ngay cả thời điểm cuối năm khi nhu cầu thanh toán của nền kinh tế tăng cao.
Trước đó, tại tọa đàm Phát triển hệ sinh thái không dùng tiền mặt, ngày 27/12, ông Lê Anh Dũng cho hay, tính đến tháng 9/2021 thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng trưởng 76%, giá trị thanh toán cũng tăng trưởng ở mức ấn tượng, 88%. Hình thức thanh toán mới QR code tăng trưởng 64%, giá trị thanh toán qua QR code tăng mạnh 128%.
Đáng chú ý, số lượng thanh toán qua các kênh truyền thống như POS, ATM đã tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là ATM có dấu hiệu giảm sút.
“Điều này dễ hiểu thôi vì chúng ta đang dịch chuyển mạnh sang thanh toán điện tử, và ATM cũng không thuận tiện trong bối cảnh tác động Covid-19 khi người dân hạn chế ra ngoài để tiếp cận các ATM”, ông Lê Anh Dũng nói.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN. |
Về tình hình phát triển thanh toán không tiền mặt. Đến thời điểm hiện nay có 80 tổ chức đã triển khai thanh toán qua internet, 44 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động và 30 ngân hàng đã triển khai hình thức thanh toán QR code với trên 90.000 điểm chấp nhận thanh toán.
Về tình hình phát triển thẻ ngân hàng tại Việt Nam, đến thời điểm này có khoảng 122 triệu thẻ đang lưu hành, bao gồm cả thẻ nội địa lẫn cả quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng thanh toán giao dịch nội địa của ngân hàng tăng tương ứng 30% về số lượng và 18% về giá trị so với cùng kỳ 2020.
Ngân Giang
Giảm lãi suất cho vay trong năm tới bất chấp thách thức nợ xấu hậu Covid-19
Trong năm 2022, dựa trên các cân đối vĩ mô, đặc biệt là diễn biến lạm phát, NHNN sẽ điều hành ổn định mặt bằng lãi suất và chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.