'Test nhanh dương tính sau khi khỏi Covid-19 hơn tháng, có ai giống tôi không?'
Mắc Covid-19 lần 1 cách đây chưa đầy 2 tháng, đã khỏi trước Tết vài tuần, một F0 hoang mang hỏi 'có ai giống tôi không' khi mới đây chị test nhanh lại lên 2 vạch rất nét.
Chưa ghi nhận trường hợp nào tái nhiễm sau khỏi 2 tháng
Mạng xã hội chia sẻ dòng trạng thái của một F0 cho biết lần 2 cách lần 1 mắc Covid-19 chưa đến hai tháng. Mọi người bị rồi đừng chủ quan nhé. F0 này hoang mang viết “có ai bị như tôi không?”.
Theo đó, chị Q, Hà Nội, đã mắc và điều trị khỏi Covid-19 dịp trước Tết, nghĩ mắc rồi không mắc lại nữa. Sau Tết, gia đình có đi du lịch một chuyến và các con đi học trở lại. Test nhanh ngày 12/2 thì chị lên 2 vạch dương tính rất rõ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, trưởng phòng Y tế Quận Bắc Từ Liêm cho biết, về mặt lý thuyết người nhiễm Covid-19 là những người được sinh kháng thể rồi, cơ thể có khả năng chống chọi với virus.
Mới khỏi Covid-19 trước Tết, giờ lại tiếp tục tái nhiễm lần 2? |
Trên thực tế ở nhiều địa phương có hiện tượng (dù rất ít) sau khi nhiễm Covid-19 khỏi rồi lại nhiễm lại lần thứ 2.
“Hiện tượng này cũng có nhưng rất ít. Tại Quận Nam Từ Liêm hiện chưa có trường hợp nào như vậy được báo cáo. Nhưng tôi có tham khảo các chuyên gia, các địa phương khác như trong Miền Nam thì có trường hợp nhiễm lại rồi”, ông Tuấn thông tin.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, đơn vị được giao điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2- 3 của Thành phố, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Lan Hương thông tin với phóng viên, bệnh viện từng có trường hợp đã ra viện (âm tính) nhưng sau đó lại vào do dương tính.
“Bệnh nhân xét nghiệm nhanh âm tính được cho ra viện về nhà tiếp tục theo dõi trong 7 ngày. Trong thời gian ấy, bệnh nhân lại xuất hiện khó thở vào viện lại, xét nghiệm cho thấy CT<30. Bệnh viện lại tiếp tục điều trị.
Nếu nói những trường hợp này là tái nhiễm cũng chưa khẳng định là tái nhiễm hay không, mà có thể do bệnh nhân chưa khỏi bệnh”, BSCK II Nguyễn Thị Lan Hương cho hay. Bà Hương cũng cho biết chưa gặp trường hợp nào từng mắc Covid-19 khỏi 2 tháng rồi lại bị lại mà hầu hết gặp bệnh nhân bị dương lại trong khoảng thời gian còn theo dõi tại nhà.
Lá xông bán chạy hơn cả rau, tác dụng của xông hơi và những lưu ý của chuyên gia?
Khi mỗi ngày cả nước có hơn 40 nghìn ca mắc Covid-19, F0 có ở khắp nơi thì người người, nhà nhà tranh thủ xông với hi vọng phòng, chống Covid-19
Omicron có thể dễ nhiễm hơn chủng Delta
Lý giải hiện tượng này, TS TS. Bùi Lê Minh, trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng những trường hợp ghi nhận mắc Covid-19 lần thứ hai mặc dù tỷ lệ xuất hiện thấp nhưng về bản chất khá phức tạp nên cần phải làm rõ những trường hợp này thuộc nhóm nào.
Bởi tái dương tính (repositivity) là người có kết quả PCR dương tính trở lại một thời gian sau khi đã được công nhận khỏi bệnh (vài ngày tới vài tuần) và không có hoặc có biểu hiện triệu chứng.
Theo một nghiên cứu tổng quan tài liệu xác suất xảy ra tái dương tính là khoảng 14,8%, trung bình cách lần cuối âm tính 9,8 ngày và có xu hướng xảy ra nhiều hơn với người trẻ tuổi và có thời gian phát bệnh lần đầu kéo dài, trong khi những người có bệnh nền thì ít xảy ra hơn. Một nghiên cứu tổng quan tài liệu khác với tổng số bệnh nhân hơn 12 triệu người cho thấy khoảng 2% số bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng tái dương tính trong vòng 1 tháng kể từ khi khỏi bệnh.
“Những người này không còn mang virus hoặc lượng virus quá thấp để có thể nhiễm cho người khác nên nhiều trường hợp đã được xác định nhưng chưa có ghi nhận khả năng lây nhiễm. Ngoài ra còn có thể giải thích đây là các mảnh của virus mà cơ thể tiếp tục đào thải ra sau khi đã khỏi, nên thậm chí tải lượng virus có thể khá cao nhưng không có khả năng lây nhiễm”, TS Bùi Lê Minh nói với phóng viên.
Ngoài ra, theo TB Bùi Lê Minh cũng có thể tái nhiễm là do suy giảm khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch và nhiễm virus từ nguồn bên ngoài, có thể là cùng virus đã gây bệnh lần 1 hoặc một biến thể mới.
Mới khỏi Covid-19 trước Tết, giờ lại tiếp tục tái nhiễm lần 2? |
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh không phải trường hợp tái nhiễm nào cũng là tái phát, có những trường hợp tái nhiễm không biểu hiện triệu chứng và hoàn toàn có thể lây cho người khác do tải lượng virus cao.
“Về mức độ biểu hiện bệnh thì phần lớn các ca bệnh tái nhiễm đều nhẹ hơn lần đầu tiên, tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp biểu hiện nặng hơn hoặc tử vong. Nguyên nhân của hiện tượng này hiện nay vẫn chưa được làm rõ. Một trong những cơ chế có thể giải thích cho hiện tượng này có thể là ADE (antibody dependent enhancement – tăng cường bệnh lý phụ thuộc kháng thể), là cơ chế mà kháng thể sinh ra từ lần nhiễm bệnh thứ nhất lại có tác dụng ngược làm cho virus xâm nhập lần hai dễ dàng hơn và làm bệnh nghiêm trọng hơn.
Hiện tượng này đã được mô tả với bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue bị tái nhiễm với một serotype khác khi kháng thể trung hòa từ lần đầu giảm và kháng thể bám tạo phức với hạt virus, tấn công các tế bào bạch cầu làm biểu hiện bệnh nặng hơn”, TS Bùi Lê Minh nói.
Cần lưu ý rằng các nghiên cứu được nhắc tới ở trên đều thực hiện trước giai đoạn xuất hiện biến thể Omicron. Một số đánh giá gần đây cho thấy người đã khỏi bệnh có nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao hơn Delta từ 3 tới 5 lần và làn sóng bệnh nhân tái nhiễm từ cuối 2021 tới nay đã được ghi nhận rất rõ rệt ở các nước bị Omicron xâm nhập sớm.
Hiện nay Omicron cũng đã xâm nhập cộng đồng ở Việt Nam khoảng hơn 1 tháng trước, và với tốc độ lây lan rất nhanh của biến thể này kết hợp với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán là cơ hội cho số ca tái nhiễm Omicron tăng nhanh.
Cơ sở của hiện tượng này là do Omicron tích lũy nhiều đột biến ở protein gai khác biệt đáng kể so với biến thể Delta nên cả kháng thể sinh ra từ nhiễm bệnh tự nhiên với Delta hay sinh ra do vắc xin với trình tự protein gai của chủng Vũ Hán đều không hiệu quả để ngăn chặn biến thể này lây nhiễm.
“Nếu thời gian xảy ra các trường hợp tái dương tính rơi vào 2 giai đoạn Delta lấn át và vào giai đoạn Omicron xâm nhập thì rất có thể là do Omicron. Các trường hợp này có thể sẽ xuất hiện nhiều trong thời gian tới đây. Tin mừng là người đã nhiễm Omicron hầu như không có nguy cơ tái nhiễm với các biến thể trước đó và mặc dù dễ lây nhiễm hơn do kháng thể kém hiệu quả, hệ thống miễn dịch tế bào của cơ thể vẫn nhận diện biến thể này hiệu quả và giúp giảm khả năng gây bệnh nặng hay tử vong”, TS. Bùi Lê Minh nhấn mạnh.
Dù tỷ lệ tái nhiễm ở Việt Nam hiện nay theo các chuyên gia là rất ít nhưng hiện nay theo yêu cầu của Bộ Y tế với người đã nhiễm Covid-19 và đã tiêm đủ 2 liều vắc xin vẫn nên tiêm bổ sung mũi thứ 3 đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
N. Huyền
F0 không có triệu chứng, phổi vẫn trắng xoá hậu Covid-19
Xơ phổi là bệnh lý nguy hiểm của hậu Covid-19, dù không nhiều nhưng nói tới xơ phổi sau Covid bác sĩ cũng thấy “lo lo”.
Con thành F0 sau khi đến trường, bố mẹ ngại ngần cho trẻ chưa tiêm quay lại lớp
Khi chấp nhận có ca mắc trong cộng đồng thì cũng phải chấp nhận học sinh đến trường bị nhiễm Covid-19. Phụ huynh không nên quá lo lắng, bởi các cháu mắc Covid-19 thường triệu chứng nhẹ.
4 nguyên tắc xây dựng hệ miễn dịch cho trẻ khi đi học trở lại
Trẻ trở lại trường học nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sẽ cao hơn nhưng nếu không đi học sẽ ảnh hưởng về lâu dài nhiều hơn. Các bác sĩ cho rằng chuẩn bị cho trẻ đến trường, trẻ cần được xây dựng một hệ miễn dịch thật tốt.