F0 không có triệu chứng, phổi vẫn trắng xoá hậu Covid-19
Xơ phổi là bệnh lý nguy hiểm của hậu Covid-19, dù không nhiều nhưng nói tới xơ phổi sau Covid bác sĩ cũng thấy “lo lo”.
Phổi trắng xoá sau Covid-19
Bác sĩ Phan Xuân Trung – Trung tâm Y tế Hoà Hảo, TP.HCM cho biết thời gian qua người bệnh di chứng hậu Covid-19 đi kiểm tra ngày càng tăng. BS Trung từng tiếp nhận các trường hợp bị xơ phổi diễn tiến thậm chí người bệnh trẻ khi mắc Covid-19 không có triệu chứng nhưng khi khỏi bệnh thì phổi lại xơ dần.
Trường hợp nam bệnh nhân tên N.N.V. 35 tuổi, mắc Covid-19 do lây từ vợ. Người bệnh đã tiêm hai mũi vắc xin và khi nhiễm bệnh không có triệu chứng nên điều trị tại nhà.
Sau điều trị Covid-19, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng hậu Covid-19 thường xuyên thấy khó thở, đi lại cũng mệt, lúc nào cũng thấy “ngộp”. Bệnh nhân tới kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ cho chụp phổi để đánh giá tổn thương phổi thì hết sức bất ngờ vì phổi của bệnh nhân trắng xoá do tình trạng xơ phổi diễn tiến.
Trường hợp của bà Phạm Thị T. trú tại Bình Chánh, TP.HCM cũng tương tự. Tháng 12/2021, bà T. bị nhiễm Covid-19. Sau khi khỏi bệnh, sức khoẻ bà T. kém đi trông thấy, lúc nào bà cũng mệt mỏi, khó thở. Khi leo lên cầu thang chỉ đi được 3, 4 bậc là bà phải dừng lại nghỉ.
Bà T. đi khám hậu Covid-19, kết quả chụp X-quang cho thấy xơ phổi hậu Covid, tổn thương xơ phổi nặng hai bên. Tình trạng tổn thương dạng mô kẽ rải rác hai phổi, xơ rải rác hai phổi, giãn phế quản rải rác hai phổi. Bà T. phải điều trị dài ngày, đến nay chưa khỏi.
TS BS Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết xơ phổi hậu Covid-19 là vấn đề rất lớn, nếu điều trị không kịp thời người bệnh sẽ bị suy hô hấp mãn tính, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người bệnh. Đến nay khi nói tới xơ phổi bác sĩ cũng cảm thấy lo lắng vì việc điều trị khó.
Hình ảnh phổi của bệnh nhân trắng xoá do xơ phổi tiến triển. |
TS Vinh cho rằng hậu Covid-19 có tới 200 triệu chứng khác nhau, từ rụng tóc, tinh thần tới đột quỵ, tim mạch thì hồi hộp, đánh trống ngực, đau khớp. Người bệnh có tình trạng khó thở, mệt mỏi có thể do phổi tổn thương nhưng cũng có trường hợp phổi không có tổn thương đó là do mệt mỏi mãn tính. Nhiều bệnh nhân than thở ngày trước sức của họ được 10 thì giờ chỉ còn 7, 8 phần.
BS Vinh cho biết virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ quan hô hấp trong đó phổi bị tấn công nhiều nhất, tử vong do phổi tổn thương nặng, viêm hô hấp nặng. Vì vậy, người bệnh Covid-19 nặng trong giai đoạn dương tính thì hầu hết phổi bị tổn thương và sau Covid-19 triệu chứng phổi vẫn kéo dài.
Nếu bệnh nhân khó thở kèm theo thiếu oxy cần đi kiểm tra phổi. Không phải ai khó thở cũng là xơ phổi có thể do căng thẳng, tâm lý, mất ngủ, mỏi cơ trong giai đoạn Covid-19 nhưng chúng ta không được chủ quan.
Ngoài Covid-19, xơ phổi còn có nhiều nguyên nhân khác như bệnh nhân tiếp xúc với môi trường không tốt, tiếp xúc với hoá chất, tiếp xúc với bụi bẩn như công nhân trong mỏ than, mỏ đá, người làm trong nhà máy sản xuất dây thun hít bột tan, sản xuất amiăng cũng có thể gây bụi phổi, xơ phổi.
Một số người mắc bệnh tự miễn như thấp khớp, lupus ban đỏ cũng có biểu hiện xơ phổi. Ngoài ra, còn có lý do xơ phổi vô căn không rõ nguyên nhân xơ phổi. Hiện đã có một số thuốc chống xơ phổi nhưng chưa phổ biến tại Việt Nam.
Dấu hiệu xơ phổi
Để xác định bạn có bị xơ phổi hay không, TS Vinh cho biết người bệnh cần chụp X-quang phổi. Nhiều trường hợp trên phim X-quang xuất hiện nhiều dải xơ, đám xơ, phổi trắng nhưng cũng có trường hợp xơ phổi ít không nhìn rõ cần chụp thêm CT để phổi được chụp nhiều hình ảnh hơn nhằm xác định tình trạng xơ phổi.
Khi điều trị xơ phổi, bác sĩ sẽ thăm dò chức năng phổi để xem tình trạng chức năng trao đổi oxy của phổi như thế nào. Người bị xơ phổi cơ chế đưa oxy vào máu không được tốt nên bác sĩ sẽ điều chỉnh để trao đổi khí vào máu tốt hơn.
Theo TS Vinh dấu hiệu nhận biết xơ phổi cũng khó vì xơ phổi làm thay đổi chức năng hô hấp. Người bệnh chỉ cảm thấy khó thở khi gắng sức. Việc trao đổi khí giảm đi người bệnh cảm thấy thiếu oxy mãn tính, tím môi, tím đầu ngón tay, ngón chân.
Xơ phổi do Covid-19 có tồn tại suốt đời hay không đến nay vẫn là câu hỏi chưa có trả lời vì vấn đề bệnh Covid-19 mới xuất hiện 2 năm nên chưa có kết quả 3- 5 năm sau như thế nào nhưng đến nay xơ phổi việc điều trị khó khăn.
Khánh Chi
Số ca mắc Covid-19 bật tăng chưa có dấu hiệu giảm
Hiện Hà Nội hơn 10 ca tử vong do mắc Covid-19 một ngày. Nhưng nếu số ca mắc tiếp tục tăng thì không chỉ dừng ở hơn 10 ca mà có thể mấy chục ca/ngày…
Nhiều người là F1 đã vội vàng uống thuốc dành cho F0
Khi thấy người nhà bị Covid-19, nhiều người quá lo lắng đã đi tìm các đơn thuốc dành cho F0 để mua uống với hi vọng phòng còn hơn chống.
4 nguyên tắc xây dựng hệ miễn dịch cho trẻ khi đi học trở lại
Trẻ trở lại trường học nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sẽ cao hơn nhưng nếu không đi học sẽ ảnh hưởng về lâu dài nhiều hơn. Các bác sĩ cho rằng chuẩn bị cho trẻ đến trường, trẻ cần được xây dựng một hệ miễn dịch thật tốt.