Tập huấn tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai đã tổ chức lớp tập huấn “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số” tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Tham dự lớp tập huấn có 186 cán bộ, giáo viên mầm non của các đơn vị thuộc huyện, thị xã Long Khánh. Nội dung lớp tập huấn xoay quanh các vấn đề làm thế nào cho trẻ mầm non người DTTS tiếp cận với ngôn ngữ tiếng Việt, cách dạy trẻ nghe, nói tiếng Việt mạch lạc, tròn câu theo đúng ngữ pháp; chuẩn bị cho trẻ DTTS về khả năng đọc, viết tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Tập huấn tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số tại Đồng Nai |
Bên cạnh đó các cán bộ, giáo viên được dự 2 hoạt động kiến tập; hoạt động làm quen văn học “Bác gấu đen và hai chú thỏ” và hoạt động “Làm quen chữ cái n, m” do các giáo viên huyện Xuân Lộc dạy minh họa, thông qua những hoạt động này, đã giúp các cán bộ, giáo viên tham gia lớp học hiểu rõ hơn phương pháp tổ chức các hoạt động học tập cho trẻ mầm non vùng DTTS.
Đồng thời trên cơ sở thực tế tại đơn vị, mỗi cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn sẽ có định hướng tốt hơn trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức các giáo dục cho trẻ tại địa phương.
Coi tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hơn 150 cán bộ quản lý và gần 500 giáo viên cốt cán. Qua các buổi tập huấn, giáo viên có thêm hiểu biết về kiến thức, kỹ năng xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt và áp dụng vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ ở trường mầm non; tất cả các giáo viên chủ động, học tập, không ngừng nâng cao hiểu biết về chuyên đề.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước có hơn 4.000 trường mầm non có đông trẻ em là người dân tộc thiểu số (DTTS); hơn 42.000 nhóm lớp có trẻ em người DTTS với số trẻ em người DTTS đến trường là hơn 887.000. Để nâng cao chất lượng, một số địa phương như Gia Lai, Lào Cai, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Đồng Nai… đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS.
Hiện nay, mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhưng do vốn tiếng Việt của học sinh DTTS còn ít cho nên trẻ còn nhút nhát, chưa mạnh dạn tham gia các hoạt động giáo dục.
Ngoài ra, nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho trẻ còn hạn chế. Hầu hết các tỉnh đều thiếu giáo viên, vì thế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ và chất lượng tăng cường tiếng Việt.
Cả nước có hơn 73.000 giáo viên mầm non dạy trẻ em người DTTS, trong đó, số giáo viên người DTTS trực tiếp dạy trẻ chỉ có gần 39.000 người. Nhiều giáo viên mầm non lúng túng trong việc lựa chọn nội dung và phương pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS, trong khi năng lực sư phạm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên người DTTS còn hạn chế.
Đó là chưa kể, công tác bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ của ngành giáo dục chưa thật sự hiệu quả, giáo viên còn máy móc, khó khăn trong thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Mặt khác, tỷ lệ trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ đến lớp thấp, việc bảo đảm duy trì sĩ số và tỷ lệ chuyên cần chưa cao.
Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Hiếu cho biết: Một số tỉnh triển khai việc dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS còn chậm, chưa quan tâm bố trí nguồn lực và các giải pháp để thực hiện.
Để tiếp tục triển khai dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS hiệu quả, các tỉnh, thành phố quan tâm xây dựng thư viện thân thiện phù hợp để khuyến khích phụ huynh cùng đọc sách với trẻ tại trường, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục rèn phát âm và khả năng nghe, nói bằng tiếng Việt cho trẻ, nhất là đối với trẻ thuộc nhóm dân tộc rất ít người, trẻ sống biệt lập tại các thôn, buôn, khu vực hẻo lánh ít được nghe nói tiếng Việt.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tài liệu, học liệu về tăng cường tiếng Việt cho cơ sở giáo dục mầm non, nhóm lớp có đông trẻ em người DTTS; tổ chức học hai buổi/ngày để trẻ có cơ hội tăng cường tiếng Việt.
Đáng chú ý, các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ và chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS theo quy định…