Tăng lương tối thiểu sẽ làm tăng nguy cơ mất việc của người lao động
Nhiều chuyên gia cho rằng tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện nay sẽ gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, có thể đẩy lao động vào nguy cơ mất việc.
Mới đây, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chính thức kết thúc 2 phiên thương lượng về tăng lương tối thiểu vùng, chốt phương án trình Chính phủ xem xét không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Phương án này chưa nhận được sự ủng hộ từ phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – đại diện cho người lao động, tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, nhiều chuyên gia về tiền lương cho rằng, việc tăng lương tối thiểu tại thời điểm này sẽ gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chính cơ hội việc làm của người lao động.
Ảnh minh họa |
Trao đổi với VOV.VN, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, quyết định tăng lương hay không cần căn cứ vào 3 yếu tố gồm nhu cầu sống, điều kiện kinh tế xã hội và mặt bằng tiền công trên thị trường.
“Nhu cầu càng ngày càng cao, tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, các nước trên thế giới cũng phải tìm cách nén nhu cầu lại. Dự báo từ các chuyên gia kinh tế trên thế giới cho thấy, kịch bản khả quan nhất, kinh tế toàn cầu cũng chỉ có thể tăng trưởng từ 2-3%. Thậm chí còn có kịch bản mức tăng trưởng âm. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng không có dấu hiệu tăng đột biến. Người lao động lại thất nghiệp nhiều, năng suất lao động kém, bản thân người lao động phải chia việc làm, thu nhập giảm”, ông Huân chỉ rõ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, trong bối cảnh này, người lao động cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp. Mức lương tối thiểu vùng 2021 nên được giữ ở mức ổn định như hiện nay, tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi.
“Nếu bất chấp tăng lương, sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Hiện nay đã rất nhiều doanh nghiệp lao đao, phá sản, gặp khó khăn, nếu tiếp tục có thêm những gánh nặng tài chính, doanh nghiệp “chết”, đồng nghĩa với đẩu người lao động ra đường, mất việc làm. Do đó cần xem xét kỹ về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện nay”, ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng, mức tăng lương tối thiểu trong 10 năm tới ra sao, cần xây dựng lộ trình có căn cứ thực tiễn rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Bà Tống Thị Minh, nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cũng đồng tình với quyết định không tăng lương tối thiểu năm 2021.
Bà Minh cho rằng, đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động trong thời điểm hiện tại là không phù hợp. Doanh nghiệp đang loay hoay khi tình hình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ phải tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thông qua các chính sách như giảm, giãn thuế, cho vay lãi suất thấp, thậm chí là không lãi suất để tạo việc làm cho người lao động. Nếu tăng lương tối thiểu, sẽ đẩy chi phí của doanh nghiệp lên cao, khả năng nhiều doanh nghiệp khó khăn sẽ phải sa thải bớt lao động trong bối cảnh dịch bệnh.
“Xét về mặt quy định pháp luật, Nghị quyết 27 của Trung ương cũng như bộ Luật Lao động đều không quy định phải điều chỉnh tăng lương tối thiểu hàng năm. Chỉ quy định xem xét định kỳ, như vậy có thể tăng hoặc không. Việc tăng lương cần tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như duy trì việc làm. Trong lịch sử, nhiều nước còn điều chỉnh giảm lương thay vì tăng lương do những tác động khách quan đến nền kinh tế. Tôi cho rằng, ở thời điểm này, người lao động cần được duy trì công việc, giữ việc làm trong bối cảnh dịch bệnh. Tăng lương sẽ làm tăng nguy cơ sa thải của người lao động”, bà Minh nhấn mạnh.
Đại diện cho doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Hợp đồng mới chưa có, trong khi hợp đồng cũ đã thực hiện nhưng lại bị ép giá, lùi thời gian thanh toán.
"Những khó khăn này đang đè nặng lên doanh nghiệp. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đã phải dùng nguồn vốn tích lũy dùng cho phát triển để tung ra nuôi quân, giữ chân người lao động, với mong muốn khi tình hình khả dĩ hơn sẽ tiếp tục sản xuất.
Nhưng 6 tháng đầu năm, trên 56.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Với tư cách đại diện chủ sử dụng lao động, VCCI đã có văn bản chính thức báo cáo với hội đồng tiền lương là dừng không bàn tăng lương tối thiểu vùng 2021 để khuyến nghị các cơ quan chính quyền địa phương có giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực này", ông Phòng cho biết.
Đại diện VCCI cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần có nhiều hình thức khác nhau để bồi dưỡng, đào tạo lại lực lượng lao động, có chương trình cụ thể nhằm giữ chân người lao động. Quyết tâm cao nhất của doanh nghiệp là tạo việc làm đảm bảo cho người lao động, nhưng hiện nay việc này đang thực sự khó khăn cần sự quyết tâm cao của chủ lao động, người lao động và cả các cơ quan liên quan.
Theo vov.vn