Tân sinh viên đại học ở Hàn Quốc đua nhau đi 'dao kéo'
Trải qua kỳ thi khốc liệt nhất trong cuộc đời học sinh, nhiều học sinh trung học ở Hàn Quốc được bố mẹ ủng hộ đi "dao kéo" để cải thiện dung mạo.
Khi kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào đại học (CSAT) thường niên của Hàn Quốc qua đi, hàng trăm ngàn học sinh sắp tốt nghiệp trung học đã lên sẵn danh sách dài những việc cần làm hậu thi cử như đi du lịch xả hơi hoặc thi bằng lái xe.
Đặc biệt, đối với không ít học sinh, việc cần làm vào thời điểm nhàn rỗi này chính là đi phẫu thuật thẩm mỹ. So với quá khứ, tư tưởng của các bậc làm cha làm mẹ ở Hàn Quốc hiện thoáng hơn. Họ ủng hộ con cái đụng "dao kéo” để thay đổi dung mạo. Điều này được minh chứng thông qua những dòng tâm sự trên mạng internet tìm hiểu các cơ sở làm đẹp uy tín. Song theo một số chuyên gia, do trẻ vị thành niên vẫn chưa phát triển hoàn thiện, quyết định làm đẹp cần được cân nhắc kỹ càng.
Sau kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào đại học, nhiều học sinh trung học ở Hàn Quốc đi phẫu thuật thẩm mỹ. (Ảnh minh họa) |
“Tôi muốn phẫu thuật mắt 2 mí cho con trai mình sau kỳ thi CSAT. Chúng tôi có ý định tới Apgujeong-dong ở quận Gangnam, nhưng tôi muốn tìm hiểu thêm thông tin về cơ sở trước khi tới. Các bạn có thể chia sẻ một số thông tin như chi phí và trung tâm nào nổi tiếng hay không?”, Korea Times dẫn chia sẻ của một người phụ nữ trên mạng internet.
“Cháu gái tôi đã tham gia kỳ thi CSAT và tôi mừng vì con bé đạt kết quả tốt. Tôi muốn con bé đi phẫu thuật mũi trước khi bước vào đại học vì con bé cho rằng chiếc mũi không đẹp. Tôi đã nói chuyện với mẹ con bé và tôi sẽ chi trả phí phẫu thuật khi xem đây là món quà mừng con bé vào đại học. Các bạn có thể giới thiệu trung tâm làm đẹp nổi tiếng nào ở Incheon không?”, một người dùng khác viết.
CSAT được đánh giá là kỳ thi khốc liệt nhất trong cuộc đời học sinh ở Hàn Quốc khi các sĩ tử cạnh tranh tấm vé bước vào cổng trường đại học và quyết định sự nghiệp trong tương lai.
Theo bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hur Wu-jin, nhiều học sinh xem năm cuối cấp trung học là thời điểm thích hợp để thay đổi đường nét trên khuôn mặt.
“Năm cuối trung học, năm 3 và 4 đại học, hay ngay trước khi tìm việc là thời điểm được lựa chọn nhiều nhất để làm phẫu thuật thẩm mỹ”, ông Hur nói,
“Nguyên nhân là do đây là khoảng thời gian mọi người dịch chuyển sang các mối quan hệ xã hội khác. Đây cũng là thời gian rảnh rỗi tránh được sự chú ý của người ngoài trong thời gian hậu phẫu”, ông Hur nói thêm.
Cũng theo ông Hur, mất khoảng 2 tháng kể từ ngày phẫu thuật để học sinh trung học có được “vẻ ngoài tự nhiên”. Do đó, sau kỳ thi CSAT là thời kỳ đỉnh điểm hoạt động không chỉ với các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, mà còn với các phòng da liệu hay phòng khám mắt.
Nắm bắt được nhu cầu, các trung tâm thẩm mỹ và phòng khám ở Hàn Quốc đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi và giảm giá cho các thí sinh tham gia CSAT. Ngay cả phụ huynh của các thí sinh CSAT cũng được giảm giá nếu có nhu cầu làm đẹp. Đây được xem là hình thức tri ân cho những vất vả mà cha mẹ của thí sinh đã trải qua trong quá trình nuôi dạy con.
Theo điều tra năm 2020 của Gallup Korea, 89% người dân Hàn Quốc cho rằng diện mạo đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và 11% phản đối lối suy nghĩ này.
Phụ nữ trẻ tuổi là những người lo lắng nhiều nhất về vẻ ngoài. Trong khi đó, nam giới ngoài 50 tuổi nằm trong nhóm ít nghĩ tới diện mạo nhất.
Khi được hỏi liệu phẫu thuật thẩm mỹ với mục đích để dễ đi xin việc làm hoặc tìm bạn đời có được chấp nhận, 67% trả lời là "Có" và 28% cho rằng chuyện này không đáng.
Cũng theo cuộc điều tra của Gallup Korea, 25% phụ nữ trong độ tuổi 20 cho hay họ từng phẫu thuật thẩm mỹ. Tỷ lệ này thấp hơn so với con số 31% trong cuộc điều tra vào năm 2015.
Cậu bé nghèo đổi đời nhờ bức ảnh nhặt được cây thông Noel ở bãi rác
Bức ảnh cầm trên tay cây thông Noel nhặt được ở bãi rác với khuôn mặt thể hiện nét khó tả đã giúp cậu bé nghèo ở Brazil đổi đời.
Minh Thu (lược dịch)