“Tâm thư” gửi hai Bộ trưởng GD&ĐT và LĐTB&XH
Ngay sau khi sự việc bảo mẫu cơ sở mầm non Phương Anh (Quận Thủ Đức) hành hạ trẻ em được phát hiện, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Cơ quan thường trực phía Nam, đã gửi công văn đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để phản ánh về tình trạng trẻ em bị bạo hành và đưa ra những kiến nghị của mình.
Công văn có đoạn: “Năm 2012, dư luận đã xôn xao về vụ bảo mẫu của nhóm trẻ gia đình tại Đồng Nai đã đánh đập tàn nhẫn các cháu bé mà mình đang nuôi dưỡng... dư luận chưa nguôi ngoai, thì mới đây tại Quận Thủ Đức, Thành phố HCM, vào ngày 18/11/2013 một bảo mẫu mới 18 tuổi đã đánh đập và dẫm chết một bé mới 18 tháng tuổi. Tại nhà mình... Dư luận đang bàng hoàng vì hành vi độc ác đó thì vào ngày 12/12/2013 tiếp tục xuất hiện một video clip được đưa lên mạng, truyền hình đã làm dư luận phẫn nộ vì hành vi đánh đập và hành hạ dã man các trẻ mầm non tại nhà trẻ tư thục Phương Anh, phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức. Đối tượng có hành vi ngược đãi các cháu cũng mới chỉ 19 tuổi”.
Công văn cũng chỉ ra những vụ bạo hành thành phố Hồ Chí Minh và cả nước thời gian gần đây, những vụ trẻ em chết tại nhà trẻ, nhà giữ trẻ... Công văn đã thể hiện sự chua xót và lên án : “Dư luận vô cùng bức xúc và lên án những hành vi không còn mang tính người trước những công việc trên, tai sao con người lại nhẫn tâm và độc ác đối với những đưa trẻ con ngây thơ như vậy”.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đặt ra câu hỏi trách nhiệm “các ngàng chức năng đã, đang làm gì để thực hiện quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm và tính mạng của trẻ em”?
Từ những vụ việc trên, Hội đã mạnh mẽ kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị cần xử lý nghiêm minh, có tính răn đe các trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em để mang tính giáo dục cho những nơi chăm sóc và nuôi dạy trẻ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo hành trẻ em”.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng chỉ ra giải pháp để giảm tình trạng này như: Kiên quyết rút giấy phép các cơ sở giữ trẻ không đủ tiêu chuẩn, cần đưa hệ thống camera vào các trường mầm non; Đào tạo và quản lý các nhóm trẻ gia đình; Đặc biệt, tăng cường giáo dục luật pháp chính sách liên quan đến quyền trẻ em cho giáo viên, bảo mẫu...
Bên cạnh đó, Bà Ninh Thị Hồng, UVTV Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng bày tỏ sự quyết tâm trong công tác giáo dục, tuyên truyền nhận thức cho người dân về quyền trẻ em. Ngay khi có những thông tin về vụ xâm phạm quyền trẻ em, Hội là một trong những đơn vị nhanh nhất trong việc thể hiện tiếng nói của mình.