Tại sao khả năng chiến đấu của Quân đội Nga tăng "khủng khiếp" trong thời gian ngắn?
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu mới đây cho biết, kể từ năm 2012, hiệu quả chiến đấu của Quân đội Nga đã tăng hơn hai lần, điều này cho phép Nga duy trì thế cân bằng chiến lược với NATO. Giới phân tích cho rằng, điều này chính là thành quả từ sau khi tiến hành cuộc cải cách “diện mạo mới” của Quân đội Nga, đặc biệt là sau hai cuộc chiến tranh cục bộ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu. Nguồn: people.com.cn. |
Sáng tạo ra hệ thống chỉ huy mới
Việc thiết lập và hoàn thiện hệ thống chỉ huy chiến đấu mới là một biểu hiện quan trọng trong việc nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Nga. Ngay từ năm 2014, Nga đã thiết lập Trung tâm Chỉ huy Phòng thủ Quốc gia (NDCC) với nhiều tầng cấp chỉ huy, đơn vị này đã trở thành trung tâm chỉ huy cao nhất mang đặc trưng Nga và được coi là "ngôi nhà chiến tranh" để kết nối chiến trường.
Từ năm 2014 - 2016, NDCC đã thống nhất tổ chức lại theo nhiệm vụ chức năng. NDCC có các trung tâm chỉ huy trực thuộc, như Trung tâm chỉ huy lực lượng hạt nhân chiến lược, Trung tâm chỉ huy tác chiến, Trung tâm chỉ huy hành động thường nhật, Sở chỉ huy Bộ tổng tham mưu Trung ương. Sau đó, Nga đã phát triển “chuỗi chỉ huy” đến các đơn vị cấp chiến lược, chiến thuật. Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh, việc thành lập hệ thống chỉ huy thống nhất là "sự đổi mới lớn nhất kể từ khi Quân đội Nga được thành lập".
Trung tâm Chỉ huy Phòng thủ Quốc gia Nga. Nguồn: people.com.cn. |
Hệ thống chỉ huy này hoạt động theo phương thức “trung tâm Chỉ huy Phòng thủ - Quân khu/ Quân binh chủng – Tập Đoàn quân (Hạm đội)” và “Trung tâm Chỉ huy Phòng thủ - Bộ Tư lệnh chiến dịch – Binh đoàn chiến dịch” . Các tổ chức nghiên cứu quân sự của phương Tây đánh giá rằng, NDCC của Nga đã rút ngắn khoảng 2/3 thời gian ra quyết định của các cấp chỉ huy quân sự Nga và tăng hiệu quả của các hoạt động quân sự lên thêm khoảng 40%.
Truyền thông Nga cho biết, hệ thống chỉ huy mới đã thể hiện rõ mối liên hệ “quyết sách – tấn công”, điều này có ý nghĩa lớn đối với việc giành chiến thắng trong các cuộc chiến hiện đại hoặc đối phó với các tình huống khẩn cấp. Trên chiến trường Syria, hệ thống chỉ huy này đã cho thấy những lợi thế rõ ràng, trong đó đã điều phối hiệu quả tài nguyên quân sự phục vụ chiến tranh.
Ngoài ra, “chuỗi chỉ huy” được mở rộng liên tục cũng giúp cải thiện khả năng đáp trả của đơn vị tấn công chiến thuật. Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander đã được kết nối với trung tâm chỉ huy, có thể hoàn thành việc chuẩn bị tấn công trong vòng 1 phút, hiệu quả tăng 90% so với 7 năm trước; trong vòng 10 giây, hệ thống chỉ huy lực lượng hạt nhân chiến lược có thể được truyền mệnh lệnh tới các đơn vị tuyến đầu như máy bay ném bom, tàu ngầm hạt nhân chiến lược, điều này nâng cao rõ rệt khả năng răn đe của lực lượng này.
Trung tâm chỉ huy quốc phòng này chính thức bắt đầu làm nhiệm vụ trực chiến từ ngày 1/12/2014. Nguồn: people.com.cn. |
Điều chỉnh bố cục kết cấu lực lượng
Quân đội Nga đã dần khôi phục lại một bộ phận sư đoàn chiến đấu, như thành lập 7 sư đoàn chiến đấu mới ở Quân khu Trung tâm, Quân khu phía Tây và Quân khu phía Nam. 7 sư đoàn mới bao gồm 2 sư đoàn xe tăng và 5 sư đoàn bộ binh cơ giới, trong đó sư đoàn bộ binh cơ giới được áp dụng mô hình mới khi biên chế cả lực lượng UAV và tác chiến điện tử. Đến cuối năm 2020, sẽ có thêm 3 sư đoàn mới đưa vào biên chế.
Lực lượng Không quân cũng đã hồi phục một số căn cứ, xây mới hơn 20 sân bay quân sự, trong đó 12 sân bay ở trạng thái "sẵn sàng chiến đấu cao". Các cơ sở trang thiết bị quân sự ở Crimea, Bắc Cực và quần đảo Kuril (tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản) cũng tiến triển thuận lợi. Đối với Hải quân, từ năm 2016, Nga đã tích hợp lữ đoàn thủy quân lục chiến và các lực lượng phòng thủ bờ biển khác vào từng hạm đội để tăng cường khả năng chiến đấu chung.
Hệ thống S-400 Nga bố trí ở Bắc Cực. Nguồn: people.com.cn. |
Quân đội Nga cũng đang chuẩn bị cho một lực lượng chiến đấu mới để bắt kịp sự thay đổi trong chiến tranh hiện đại. Theo đó, Hạm đội phương Bắc Nga đã hình thành "lực lượng bộ đội nước sâu" biên chế cấp sư đoàn, lực lượng này bao gồm 3 - 5 đại đội phương tiện hoạt động nước sâu để thực hiện "chuyển đổi ưu thế kỹ thuật dưới nước thành ưu thế tác chiến".
Lực lượng lính dù cũng xây dựng đội quân đột kích dù từ trực thăng để nâng cao năng lực phản ứng nhanh trên chiến trường, góp phần thực hiện các nhiệm vụ quân sự phức tạp; thành lập gần 40 các học viện, nhà trường, trung tâm nghiên cứu quân sự, đồng thời tại các quân chủng cũng xây dựng “chuỗi liên kết khoa học”.
Khi tổng kết về phương diện chế tạo trang thiết bị, Bộ trưởng Shoigu cho biết, hiện tại tỷ lệ trang bị còn sử dụng tốt của Quân đội Nga đạt khoảng 94%. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ vũ khí hiện đại hóa và vũ khí kỹ thuật cao sẽ đạt tới 70%, và tỷ lệ vũ khí hiện đại hóa trong hạt nhân chiến lược sẽ đạt 87%.
Su-57 là một trong những vũ khí hiện đại hóa quan trọng bậc nhất của Nga. Nguồn: people.com.cn. |
Nâng cao năng lực đối kháng trên chiến trường
Quân đội Nga coi khả năng chiến đấu trên chiến trường là một chỉ số quan trọng để đo lường trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Từ năm 2012, Nga đã tập trung tăng cường hoạt động huấn luyện và thực chiến để nâng cao hiệu quả chiến đấu.
Trong đó, cường độ huấn luyện cấp quân chủng đã tăng từ 10% lên 16% so với năm trước, số lượng các bài tập đối kháng cũng tăng từ 8% đến 14% mỗi năm. Các cuộc tập trận chiến lược như "phía Đông" và "Kavkaz" và diễn tập hạt nhân như "Sấm sét" đã trở thành hoạt động diễn tập thường niên. Tại các cuộc diễn tập này, Nga cũng tích hợp kiểm tra khả năng đối phó với các cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.
Ngoài ra, từ năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga đã tiến hành nghiên cứu môi trường tác chiến mô phỏng các cuộc chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian, chiến tranh trên không, trên mặt đất và trên biển, từ đó tạo ra các không gian chiến đấu ảo cấp chiến thuật, chiến dịch và chiến lược, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả chỉ huy và khả năng chiến đấu thực tế.
Một cuộc diễn tập cấp chiến thuật của Nga ở sát biên giới với Ukraine tháng 4/2019. Nguồn: people.com.cn. |
Nga cũng đặc biệt coi trọng xây dựng chiến trường thông tin, từ năm 2012 đến nay, Nga đã hoàn thành việc nâng cấp hơn 100 vệ tinh quân sự. Quy mô hệ thống cảnh báo sớm, dẫn đường và thông tin đã bắt đầu hình thành. Việc triển khai hàng trăm radar khác nhau của các dòng Voronezh về cơ bản đã thay đổi "tính minh bạch" của chiến trường.
Nga coi chiến trường Syria là một "hòn đá mài" để xây dựng và thử nghiệm lực lượng. Thông qua luân chuyển nhân sự, chỉ huy các cấp trong Quân đội Nga đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực tế, cùng với đó vũ khí của Nga cũng có những “trải nghiệm” thực tế để từ đó tiếp tục cải tiến. Từ năm 2018, Nga bắt đầu tổ chức các đơn vị nghiên cứu khoa học quân sự để nghiên cứu tại Syria, trong đó đã đưa những kinh nghiệm thực tế vào trong giáo trình của các học viện quân sự.
Một số lượng lớn vũ khí mới của Nga đã được thử nghiệm trên chiến trường Syria, bao gồm máy bay chiến đấu Su-57 và robot chiến đấu Uran-6 có chức năng dò mìn. Biểu hiện của Nga ở chiến trường Syria cũng nhận được sự ủng hộ cao từ nhân dân, theo thống kê, 92% người Nga đánh giá tích cực cho quân đội.