Tai nạn rất hay gặp ở trẻ trong ngày hè và cách xử trí
Sợ cháu ngã xuống sông, ông của bé đã buộc dây vào cổ chân bé, không may dây cuốn vào động cơ nghiến đứt rời bàn chân. Hoảng sợ, ông ném phần chân bị đứt xuống biển, sau phải thuê thợ lặn mò tìm...
Ngón tay bị đứt rời của bệnh nhi H.V.H (11 tuổi, đến từ Bắc Ninh) |
Những tai nạn “chết người” trong đời thường hay gặp ở trẻ
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình -Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết đơn vị này hay tiếp nhận và phẫu thuật cho những bệnh nhi gặp tai nạn sinh hoạt đứt rời chi thể.
Trong đó, có những tai nạn tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của trẻ về sau.
Đó là trường hợp cháu bé chơi nghịch máy cắt thuốc lào hay máy cắt giấy bị đứt rời ngón tay.
“Lại có trường hợp cháu bé sống trên thuyền chài, vì sợ cháu ngã xuống sông, ông của bé đã dùng dây buộc vào cổ chân bé. Không may đầu còn lại của dây cuốn vào động cơ, khiến dây thừng thít chặt làm đứt rời bàn chân của cháu. Do hoảng sợ, ông của bé đã ném phần chân bị đứt xuống biển, vội vàng đưa cháu đi cấp cứu”, PGS, TS Nguyễn Hồng Hà cho hay.
Đến nơi bác sĩ hỏi chân bị đứt của cháu bé đâu, ông mới vội vã thuê 3 thợ lặn tìm 1 tiếng đồng hồ mới thấy chiếc chân, mang đến cho bác sĩ nối. Rất may đến giờ cháu đã đi lại bình thường.
Hay trường hợp mà Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng vừa tiếp nhận vào đầu tháng 6. Đó là trường hợp bệnh nhi H.V.H (11 tuổi, đến từ Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng đứt rời hoàn toàn đốt xa ngón 2 tay phải.
Theo mẹ em H kể lại, H đang bước vào kỳ thi chuyển khối. Buổi trưa khi em đi thi về, H ra sân bổ bưởi. Vì không cẩn thận, em đã bị đứt rời đốt xa ngón 2 tay phải. Mẹ em kể, đang ngồi trong nhà thì cháu chạy thẳng vào trong nhà, hoảng hốt kêu lên: “Mẹ ơi con mất ngón tay rồi”.
Mẹ em vội vàng đưa em đến bệnh viện huyện. Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện huyện, em H được chuyển thẳng lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tại đây, em đã được các bác sĩ chẩn đoán là đứt rời hoàn toàn đốt xa ngón 2 tay phải và tiến hành phẫu thuật cấp cứu trồng lại ngón tay đứt rời cho cháu bé.
TS. BS Đào Văn Giang tiến hành vi phẫu nối lại ngón tay cho bé 11 tuổi |
Theo TS. BS Đào Văn Giang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Đứt rời đốt xa ở trẻ em là một tổn thương hiếm gặp và khó khắc phục do mạch máu rất nhỏ.
“Kíp mổ đã phải tiến hành nối gân, nối xương, nối thần kinh và mạch máu kích thước chỉ từ 0,4-0,5mm. Các bác sĩ phải dùng những sợi chỉ phẫu thuật nhỏ hơn sợi tóc để khâu nối, đảm bảo mạch máu lưu thông, hồi sinh chi thể đứt rời cho người bệnh”, TS. BS Đào Văn Giang cho hay.
Ca phẫu thuật đã phải kéo dài trong hơn 4h đồng hồ để “nối” đầu ngón tay đứt rời lại cho bé.
Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em thường hiếu động, phụ huynh nên để ý con em mình để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc, ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của trẻ. Đặc biệt trong những ngày hè, khi trẻ bắt đầu được nghỉ hè. Nếu không có sự quản lý, hướng dẫn trẻ chơi an toàn... rất dễ xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Xử trí cách nào?
Trong trường hợp chẳng may xảy ra tai nạn đứt rời chi thể, TS. BS Đào Văn Giang khuyến cáo, cần bảo quản chi thể đúng nhất để việc phẫu thuật được thuận lợi và khả năng thành công cao hơn.
Theo đó, người dân không được “ném” bỏ phần chi thể đứt rời như trường hợp ông bệnh nhân đã nêu ở trên. Thay vào đó, cần cho phần chi thể bị rời vào một túi ni lông sạch buộc lại, để trong một túi ni lông khác đựng nước và buộc chặt lại rồi đặt trong thùng đá lạnh, đảm bảo chi thể đứt rời được giữ nhiệt độ trong khoảng từ 4-10 độ C. Sau đó chuyển đến bệnh viện gần nhất để sơ cứu kịp thời.
Phần chi thể đứt lìa được bảo quản và làm mát đúng cách có thể được sử dụng cho phẫu thuật nối ghép trong vòng khoảng 18 giờ; nếu không được bảo quản và làm mát chỉ có thể sử dụng trong vòng 4 đến 6 tiếng đồng hồ.
Đối với người bị nạn, việc đầu tiên người xung quanh cần kiểm tra hô hấp, kịp thời loại bỏ những dị vật cản trở đường thở như đất, bùn, đờm dãi để đảm bảo nạn nhân có thể hô hấp tự nhiên.
Bước tiếp theo là kiểm tra nhịp thở và tuần hoàn. Nếu nạn nhân không còn tự thở được, cần tiến hành ngay các biện pháp hồi sinh tim phổi như bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo. Để tay giữa ngực nạn nhân, giữ bằng ức bàn tay, nhấn tim liên tục khoảng 100 lần một phút, liên tục không được dừng lại cho đến khi họ thở lại được. Trong khi nhấn tim, cần kết hợp hà hơi thổi ngạt khoảng 7-8 lần mỗi phút, tức là cứ trung bình nhấn tim 30 lần thì hà hơi thổi ngạt 2 lần. Kiên trì như vậy cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu thở trở lại.
Sau khi đảm bảo tình trạng hô hấp và tuần hoàn ổn định mới bắt đầu cầm máu bằng cách tạo lực ép trực tiếp vào vết thương đồng thời nâng cao vùng tổn thương. Như thế sẽ tránh bị mất máu liên tục dẫn đến sốc.
Nếu máu vẫn chảy không cầm được, cần kiểm tra lại để tìm ra đúng vị trí xuất phát chảy máu rồi tiếp tục sử dụng lực ép chặt hơn. Nếu chảy máu nhiều, việc đè ép, băng ép khó cầm máu được, có nguy cơ đe dọa tính mạng nạn nhân thì áp dụng biện pháp băng garo chặt sẽ giúp cầm máu dễ dàng hơn. Nguyên tắc đặt garo là phải chặn đường đi của mạch máu đến vết thương. Cần đặt băng ở phía trên vết thương 2-3 cm. Quấn vòng một vừa phải, vòng 2 chặt hơn, vòng 3 chặt nhất, vòng 4 nới rộng để nhét đầu băng còn lại vào.
N. Huyền
Bệnh nhân đái tháo đường bị cắt chân oan
Cắt cụt chi chỉ là biện pháp cuối cùng nếu không thể điều trị được vết loét do biến chứng đái tháo đường, tuy nhiên đã có những bệnh nhân … bị cắt chân oan.