Sửa Luật đất đai: bài học từ Tiên Lãng
![]() |
Vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng - Ảnh Tư liệu |
Góp ý cho dự thảo luật đất đai sửa đổi, nữ đại biểu thường được gọi thân mật là Tám Khá đề cập đến Điều 53, giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác. Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, điều này cần làm rõ thêm.
“Qua giám sát việc giao đất, cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đã cho thấy mặc dù họ đã được nhà nước cấp đất nhưng thực sự chủ cũ vẫn còn canh tác, họ không thể nào vào canh tác được, chỉ được cấp trên giấy hoặc có lúc cấp cho họ lại trồng lấn đến đất rừng, đất lâm trường, đất của nông trường...”.
Trên cơ sở đó ĐB Khá đề nghị sau khi có quyết định thu hồi đất, giao đất thì phải được bàn giao cụ thể cho hộ gia đình và cá nhân, chính quyền địa phương phải giám sát việc thực hiện quyết định được cấp nêu trên đối với trường hợp giao đất, cấp đất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
![]() |
ĐBQH Nguyễn Thị Khá phát biểu tại nghị trường |
Góp ý với Điều 72 – cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất. ĐB cho “đây là một quyết định phức tạp nhất, ảnh hưởng lớn nhất” về thời gian, tiền của cũng như dư luận xã hội.
“Tôi Đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, Nhà nước được luật pháp cho phép có thẩm quyền thu hồi đất đối với cá nhân và tổ chức. Tôi thấy việc thu hồi đất đối với cá nhân và tổ chức, nhất là đối với cá nhân, hộ gia đình thì rất hệ trọng, bởi vì việc thu hồi đất này làm ảnh hưởng căn bản đối với đời sống của người bị thu hồi đất.
Bởi vậy, trong luật này cần thiết phải đi đôi với việc ủy quyền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất đồng thời cũng phải xác định rất rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trước việc quyết định của mình để tránh lạm dụng, cũng như làm sai, ảnh hưởng đến lợi ích của người bị thu hồi” - ĐBQH Đồng Hữu Mạo, đoàn Thừa Thiên - Huế.
Tại khoản 1 – thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế, thu hồi đất được quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ban hành quyết định cưỡng chế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thuộc thẩm quyền của mình và quyết định cưỡng chế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.
ĐB đoàn Trà Vinh đề nghị dự thảo cần làm rõ hơn, cụ thể hơn vì ở đây chỉ có Chủ tịch Ủy ban nhân dân 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện) có quyền quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế cấp mình và cấp trên giao.
Bà đưa ví dụ, khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định cưỡng chế đối với trường hợp có quyết định thu hồi đất, nhưng còn khoảng 30% hộ gia đình không đồng ý di dời, mặc dù đã làm theo quy định điều kiện Khoản 2 điều này như đã kết hợp giữa Ủy ban nhân dân xã và Ủy ban Mặt trận xã nơi có đất đã vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi không chấp hành. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thì ký quyết định cưỡng chế.
Các trường hợp còn trên 30% người không chấp hành mà phải dùng quyết định cưỡng chế, trước khi có quyết định cưỡng chế phải tổ chức đối thoại trực tiếp với người bị ảnh hưởng do cưỡng chế để tìm hiểu lý do, nguyên nhân tại sao? Vì quyền lợi bị vi phạm hay do bị kẻ xấu lợi dụng, kích động.
Mục đích để hạn chế thấp nhất việc cưỡng chế, gây hư hao, thất thoát lớn đến tài sản Nhà nước, tài sản công dân, kể cả tính mạng con người, tạo dư luận không tốt, gây phức tạp hơn như các trường hợp đã diễn ra trước đây như vụ việc ở Tiên Lãng.
Ngoài ra cũng theo ĐB Khá, đối với Khoản 5, Điều 72 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất, ngoài ban thực hiện cưỡng chế thì lực lượng công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế cũng phải có quyết định, có danh sách và trách nhiệm cụ thể.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, có trách nhiệm phối hợp ban thực hiện cưỡng chế để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, khi Ban thực hiện cưỡng chế có yêu cầu thì cũng phải có quyết định cụ thể và nhiệm vụ cụ thể.
Lý do theo ĐB là nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bị tai nạn lúc thi hành công vụ; làm hư hỏng, mất mát gây chết người, bị thương thì trách nhiệm đến đâu, mức độ nào cần làm rõ.
“Tôi đề nghị cần làm rõ thêm trách nhiệm cụ thể do cố ý, vô tình, thiếu trách nhiệm, tham mưu, đề xuất, quyết định sai trách nhiệm của người đứng đầu để vi phạm pháp luật về đất đai”.