Sử dụng phân bón nano trên cây đỗ tương đen mang lại hiệu quả cao (P4)
TS. Hà Phương Thư. |
Sản xuất nông nghiệp là một hình thức phức tạp, nó chịu ảnh hưởng rất lớn bởi khí hậu, thời tiết, đất đai, … mà các yếu tố này rất khó định lượng cho nên khi phân tích chỉ tập trung vào các yếu tố có thể định lượng được.
Chi phí sản xuất đỗ tương đen (Chi phí giá thành sản phẩm) bao gồm các khoản chi phí: Giống, làm đất, phân bón, vôi, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và công lao động.
Kết quả về ảnh hưởng của phân bón nano tích hợp đến hiệu quả kinh tế của cây đỗ tương đen có thể thấy rõ:
Chi phí sử dụng phân bón nano tích hợp cho 1ha là 1.500.000 đồng chiếm 5,43% tổng chi phí; So với nhóm đối chứng, chi phí sử dụng phân bón thông thường là 3.260.250 đồng chiếm 9,8% tổng chi phí.
Như vậy, so với việc sử dụng phân bón thông thường, phân bón nano tích hợp tiết kiệm được gần một nửa chi phí cho việc sử dụng phân bón cho cây trong suốt quá trình gieo trồng.
Ngoài chi phí cho phân bón, các biện pháp nông sinh học như làm đất, các biện pháp bảo vệ thực vật đều áp dụng giống nhau trên cả 2 nhóm thử nghiệm nên chi phí này là tương đương nhau.
Chi phí công lao động: Công lao động phát sinh ở các khâu chủ yếu bao gồm khâu làm đất, gieo hạt, tỉa cây, giặm, làm cỏ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, công thu hoạch. Do khi sử dụng phân bón nano tích hợp, số lần bón phân giảm đi so với sử dụng phân bón thông thường nên chi phí công lao động ở nhóm thí nghiệm giảm đi so với nhóm đối chứng.
Chi phí điện nước tưới ở nhóm thí nghiệm sử dụng phân bón nano tích hợp (50.000 đồng) giảm đi 10 lần so với khi sử dụng phân bón thông thường (500.000 đồng). Điều này do các polime tự nhiên được sử dụng trong phân bón nano tích hợp có khả năng trương nở và giữ nước tốt, do đó, sản phẩm phân bón nano tích hợp vừa cung cấp dưỡng chất vừa có thể duy trì độ ẩm thích hợp cho cây trồng sinh trưởng.
Kết quả phân tích về tổng chi phí và tổng thu cho thấy khi sử dụng phân bón nano sẽ làm giảm tổng chi phí 27.638.000 đồng khi sử dụng phân bón nano tích hợp, so với 33.328.250 đồng. Năng suất thu được ở nhóm thí nghiệm là 2.650 kg/ha, cao hơn so với nhóm đối chứng 2410 kg/ha.
Với giá bán đỗ tương đen ở thời điểm hiện tại (năm 2018) là 70.000 đồng/kg thì 1 ha đỗ tương đen cho tổng thu nhập đạt 185.500.000 đồng (thu nhập thuần đạt 157.862.000 đồng) ở nhóm thí nghiệm sử dụng phân bón nano tích hợp, cao hơn nhóm đối chứng 168.700.000 đồng (thu nhập thuần đạt 135.371.750 đồng).
Đỗ tương dùng phân bón nano. |
Như vậy, kết quả của thí nghiệm vụ này cho thấy khi sử dụng phân bón nano tích hợp đã giúp làm giảm tổng chi phí đầu tư trong gieo trồng cây đỗ tương đen từ 33.328.250 đồng khi sử dụng phân bón thông thường, xuống còn 27.638.000 đồng khi sử dụng phân bón nano tích hợp; đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất đỗ tương đen lên trên 157 triệu đồng/1ha, tăng hơn so với sử dụng phân bón thông thường 22 triệu đồng/1ha.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu của một vụ sản xuất nên cần có thêm thời gian thử nghiệm trong nhiều vụ hơn nữa để có số liệu có ý nghĩa hơn.