Sơn La chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản có lợi thế
Những năm gần đây, Sơn La đã chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản có lợi thế nâng cao năng suất, chất lượng; đưa các giống cây ăn quả vào sản xuất như nhãn chín muộn, xoài Đài Loan, mận, chanh leo, bơ, hồng giòn, cam, bưởi...
Với chủ trương chuyển đổi từ trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, thực hiện cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng vườn quả bằng việc ghép cải tạo giống mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đưa các giống cây ăn quả vào sản xuất như nhãn chín muộn, xoài Đài Loan, mận, chanh leo, bơ, hồng giòn, cam, bưởi... đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống của người dân tỉnh Sơn La.
Sơn La chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản có lợi thế |
Trong 5 năm qua, tỉnh Sơn La đã thực hiện chuyển đổi được 53.855 ha cây trồng các loại sang trồng cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh ước thực hiện năm 2020 lên 80.515 ha, tăng 311% so với năm 2015, đạt 400% mục tiêu kế hoạch và là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn thứ hai cả nước.
Sản lượng quả đạt trên 400.000 tấn, một số loại cây ăn quả cho thu nhập trên 200 triệu/ha/năm như bơ, thanh long, xoài ghép, nhãn ghép, chanh leo, dâu tây...; Một số loại nông sản của tỉnh có diện tích, sản lượng lớn nhất đối với khu vực Tây Bắc bao gồm quả các loại, bò sữa, bò thịt, lợn thịt, cà phê, mía nguyên liệu, sắn, ngô; đối với khu vực Trung du và miền núi phía Bắc gồm quả các loại, bò sữa, bò thịt, sắn, ngô.
Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La đã được cấp 161 mã số vùng trồng cho 4.537 ha cây ăn quả xuất khẩu.
Nhằm khai thác tốt các vùng nguyên liệu sẵn có, tỉnh Sơn La đã tập trung thu hút các cơ sở chế biến nông sản. Đến này, toàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu.
Từ sản xuất manh mún với sản lượng, chất lượng nông sản thấp, tỉnh Sơn La đã có bước phát triển trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Việc phát triển vùng sản xuất đi đôi với cải thiện chất lượng sản phẩm và có những chính sách hỗ trợ sản xuất, quảng bá thương hiệu, chọn được các sản phẩm chủ lực để quảng bá là những chủ trương đúng và có hiệu quả, đã góp phần đưa lĩnh vực nông nghiệp trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của Sơn La.
PV