'Soi' mức thù lao của các 'sếp' ở ngân hàng PGBank
Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex đã thông qua tờ trình của HĐQT về quyết toán thù lao của HĐQT và BKS. Theo đó, tổng thù lao trước thuế cả năm 2020 của 9 thành viên HĐQT là 5 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT ngân hàng PGBank Nguyễn Quang Định. |
Theo đó, tổng thù lao trước thuế cả năm 2020 của 9 thành viên HĐQT là 5 tỷ đồng, tổng thù lao trước thuế cả năm 2020 cho 3 thành viên BKS là 2,7 tỷ đồng.
Tính trung bình, mỗi thành viên HĐQT của PGBank đã lĩnh 555,639 triệu đồng (trước thuế) trong cả năm 2020 vừa qua, trong khi mức thù lao (trước thuế) bình quân của thành viên BKS lại cao hơn đáng kể là 897,638 triệu đồng.
Thù lao bao gồm lương, thưởng cụ thể đối với các thành viên HĐQT chuyên trách và BKS chuyên trách; cũng như mức thù lao cố định trước thuế trả hàng tháng đối với các thành viên HĐQT không chuyên trách.
Theo đó, thu nhập của thành viên HĐQT bằng 20% tổng thu nhập trước thuế của các Phó TGĐ ngân hàng năm 2020; còn thu nhập của thành viên BKS bằng 20% thù lao của thành viên BKS chuyên trách.
Như vậy, có thể ước tính thu nhập cả năm 2020 của mỗi Phó TGĐ ngân hàng này là 2,77 tỷ đồng, và đương nhiên mức thu nhập của Tổng Giám đốc ngân hàng sẽ còn cao hơn thế. Ngoài Tổng Giám đốc Nguyễn Phi Hùng, Ban Tổng Giám đốc PGBank hiện có 5 Phó Tổng Giám đốc.
Về mức chi trả thù lao cho năm 2021, ĐHĐCĐ của PGBank cũng ủy quyền cho HĐQT với phương thức tính không thay đổi so với năm trước.
Đối với các thành viên HĐQT không chuyên trách, mức thù lao cố định trước thuế hàng tháng bằng 20% (tổng lương và thưởng hiệu suất) bình quân trước thuế của các phó TGĐ ngân hàng năm 2021. Mức thưởng và phụ cấp sẽ do HĐQT quyết định mức cụ thể.
Năm 2021, PGBank thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, tăng 45,9% so với năm trước.
Mức thù lao trước thuế chi trả tạm thời hàng tháng và thưởng, phụ cấp đối với các thành viên HĐQT căn cứ vào lương bình quân trước thuế của các chức danh Phó TGĐ của ngân hàng năm 2021, các quy định nội bộ của ngân hàng và sẽ được quyết toán theo thực tế khi kết thúc năm tài chính 2021.
Như vậy, có thể thấy mức thù lao của các “sếp” ở PGBank thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung. Theo như tài liệu ĐHĐCĐ của Vietinbank, HDDQT nhà băng này đề nghị mức thu nhập bình quân cả năm 2021 cho các thành viên HĐQT và BKS lên tới 4,1 tỷ đồng/người.
So với năm 2020, số lượng thành viên HĐQT của năm 2021 vẫn giữ nguyên số lượng 09 thành viên, dù ĐHĐCĐ đã bầu bổ sung ông Nilesh Ratila Banglorewala. Trong khi đó, BKS của ngân hàng này đã được bổ sung thêm 01 thành viên là bà Dương Ánh Tuyết, nâng tổng số thành viên BKS lên thành 4 người. Cả hai nhân vật này đều từng có thời gian gắn bó với ngân hàng MSB.
Theo báo cáo tài chính năm 2020, tổng số cán bộ, nhân viên của PGBank là 1.659 người, mức thu nhập bình quân mỗi tháng là 16,730 triệu đồng/người.
PGBank là một ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ 3 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng là 212 tỷ đồng. Nhà băng này đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 310 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.
Trong suốt 6 năm qua, PGBank luôn tìm kiếm đối tác để sáp nhập, nhưng lần lượt VietinBank, HDBank, rồi MSB đến rồi lại đi. Trao đổi với các cổ đông tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra, ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch HĐQT cho biết: "6 năm qua, PGBank đã thực hiện phương án sáp nhập với VietinBank, rồi HDBank, nhưng không thành công, điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới ngân hàng. Vì vậy, Hội đồng quản trị hiện tại có chủ trương là củng cố, kiện toàn và hoạt động PGBank độc lập".
Được biết, hiện Chủ tịch HĐQT ngân hàng PGBank là ông Nguyễn Quang Định; Phó Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Tiến Dũng.
Ngoài ra, còn có 5 thành viên HĐQT gồm: Ông Nilesh Banglorewala, ông Nguyễn Mạnh Hải, ông Trần Ngọc Năm, ông Đinh Thành Nghiệp và ông Lưu Văn Tuyển.
Ngân Giang
Ngành được trả lương cao nhất Việt Nam không phải lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm
Ngành “hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” không phải là ngành mà người lao động có thu nhập cao nhất như nhiều người vẫn nghĩ.