"Soi" biến động những cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán: Bất ngờ ngôi "vương" đổi chủ
Có rất nhiều cổ phiếu giao dịch ở mức "3 chữ số" trên thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có rất nhiều mã chứng khoán đang giao dịch ở mức giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu, mà nhà đầu tư thường hay gọi là những cổ phiếu "giá 3 chữ số".
Năm 2021 là năm khá đặc biệt, khi nhóm cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán này đã diễn ra cuộc "soán ngôi" cổ phiếu có thị giá cao nhất. Vốn dĩ trước đó rất lâu, vị trí này thường dành cho VCF của VinaCafe Biên Hòa hay NTC của doanh nghiệp ngành khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Tuy vậy năm nay, một cái tên khá lạ đã "soán ngôi": L14 của CTCP Licogi 14.
Chân dung "tân vương" L14
L14 của Licogi 14 được niêm yết trên sàn HNX từ tháng 9/2011, công ty hiện có vốn điều lệ gần 270 tỷ đồng, trong đó số cổ phiếu niêm yết lần đầu vào năm 2011 chỉ 2,83 triệu đơn vị. Không tính mốc thời gian quá xa, lùi lại thời điểm đầu năm 2021 L14 đang giao dịch quanh quanh vùng 53 đến 54.000 đồng/cổ phiếu. L14 cũng chỉ tăng mạnh, và vượt ngưỡng "3 chữ số" từ 12/10/2021.
Song, ngay sau khi vượt ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu, L14 "phi" một mạch, lên 200.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong hơn nửa tháng, đến cuối tháng 11/2021. Và 1 tháng sau đó, những ngày đầu tháng 1/2022 L14 đã nhanh chóng chinh phục mốc 300.000 đồng/cổ phiếu. Không dừng lại đó, L14 tiếp tục tăng mạnh lên cao nhất 435.600 đồng/cổ phiếu trước khi bước vào những phiên điều chỉnh giảm.
Hiện L14 đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết nguyên đán 2022 ở mức 380.000, tương ứng vốn hóa công ty xấp xỉ 10.200 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu tăng, kết quả kinh doanh của Licogi 14 cũng tăng vọt. Doanh thu cả năm đạt 167 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 75 tỷ đồng. Nguồn thu chính của công ty đến từ doanh thu tài chính, đạt 398 tỷ đồng – là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế đạt 372 tỷ đồng, hơn gấp 10 lần so với số lãi đạt được năm 2020 và vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Licogi 14 ghi nhận khoản doanh thu tài chính tăng mạnh trong năm đến từ lãi đầu tư cổ phiếu.
Một cổ phiếu ngành giải khát đang đứng vị trí thứ 2
Vị trí cổ phiếu đắt đỏ thứ 2 trên sàn chứng khoán cũng là một cái tên bất ngờ - HLB của CTCP Nước Giải khát Hạ Long. Cổ phiếu này đang giao dịch trên sàn Upcom. HLB có vốn điều lệ 30 tỷ đồng tương ứng 3 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn. Thanh khoản cổ phiếu này hầu như cũng rất ít, với một số ít phiên có cổ phiếu khớp lệnh trong năm.
Trên thực tế, từ khá lâu HLB cũng thường được nhắc đến là cổ phiếu thuộc TOP những cổ phiếu có thị giá cao trên sàn chứng khoán, do đã giao dịch ở mức "3 chữ số" từ lâu nay. Nhìn lại thời điểm đầu năm 2021 HLB giao dịch quanh mức 133.000 đồng/cổ phiếu và không có nhiều biến động lớn. HLB vượt 200.000 – lên mức 230.000 đồng/cổ phiếu từ 12/1/2022 và chỉ mấy phiên sau đó đã lên mức 300.000 đồng/cổ phiếu dù lượng cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên không nhiều. Vốn hóa doanh nghiệp đạt mức 900 tỷ đồng.
VCF của Vinacafe Biên Hòa lùi về vị trí thứ 3
VCF của Vinacafe Biên Hòa là một trong những cổ phiếu thường xuyên được nhắc đến trong nhóm cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. VCF cũng là một trong những cổ phiếu "giữ" được thị giá cao lâu nhất. Hiện tại VCF đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán 2022 ở mức 245.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp khoảng 6.500 tỷ đồng. So với đầu năm 2021 thì thị giá cổ phiếu VCF đã tăng khoảng 14%.
Kết quả kinh doanh, năm 2021 VinaCafe Biên Hòa đạt 2.217 tỷ đồng doanh thu, giảm 23,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 429 tỷ đồng, giảm 41% so với năm 2021. EPS vẫn ở mức rất cao với 16.134 đồng, giảm đáng kể so với con số 27.224 đồng của năm ngoái.
NTC của Nam Tân Uyên đứng vị trí thứ 4
Cổ phiếu NTC của doanh nghiệp ngành khu công nghiệp – Nam Tân đang giao dịch quanh mức 213.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa doanh nghiệp trên 5.100 tỷ đồng. Nếu xét về tỷ lệ tăng giá cổ phiếu, NTC thậm chí giảm so với đầu năm. Tuy nhiên Nam Tân Uyên là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ rất cao cho cổ đông. Mới đây nhất ngày 16/12/2021 Nam Tân Uyên đã hốt quyền trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 80% cho cổ đông, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận ngay về 8.000 đồng.
Lên sàn từ tháng 12/2016, giao dịch trên Upcom, nhưng Nam Tân Uyên lại thường xuyên được các nhà đầu tư nhắc tới: thứ nhất, về thị giá cổ phiếu cao, thứ 2, về việc thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao, thứ 3, về tỷ suất sinh lời lớn – chỉ số EPS của công ty thường xuyên thuộc TOP cao trên thị trường.
BCTC năm 2021 ghi nhận doanh thu cả năm đạt 271 tỷ đồng, tăng nhẹ xấp xỉ 3% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế cũng gần như đi ngang, đạt gần 295 tỷ đồng. EPS đạt 12.274 đồng.
Nhân tố mới – VEF của Chủ sở hữu Triển lãm Giảng Võ
Vốn dĩ VEF của Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam – hay còn thường được nhắc đến là chủ sở hữu Triển lãm Giảng Võ – đã được nhắc đến từ những ngày đầu năm 2021 khi cổ phiếu vươn lên, "xếp chung" với nhóm những cổ phiếu giao dịch ở mức 3 chữ số. Thậm chí "thời kỳ hoàng kim", VEF còn vượt 260.000 đồng/cổ phiếu, chiếm vị trí trong TOP3 những cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. Hiện tại VEF đóng cửa phiên cuối năm âm lịch 2021 ở mức 186.000 đồng/cổ phiếu.
Nói VEF là nhân tố mới không sai, khi giá cổ phiếu tăng mạnh, trong khi kết quả kinh doanh lại có nhiều câu chuyện. Chủ sở hữu Triển lãm Giảng Võ là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 và 2021 vừa qua. Doanh thu cả năm chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng. Tuy vậy lãi sau thuế tăng 135% so với cùng kỳ, lên trên 328 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn tới lãi lớn là nhờ khoản doanh thu tài chính cả năm trên 400 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ.
Thaiholdings – cái tên để lại nhiều ấn tượng trong năm
Cổ phiếu THD của Thaiholdings cũng là một trong những cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư để ý nhất trong năm: thị giá cao, thanh khoản khá ổn định ở mức cao, và đặc biệt cổ phiếu có nhiều biến động.
Năm 2021 THD đã có lúc tăng một mạch từ 115.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên cao nhất ở vùng giá 265.000 đồng/cổ phiếu trước khi rơi vào chuỗi giảm điểm. Hiện THD giao dịch quanh mức 173.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường xấp xỉ 60.500 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của công ty cũng ấn tượng. Doanh thu năm 2021 gấp 4,5 lần cùng kỳ, đạt 8.248 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 5,8% lên 1.156 tỷ đồng. EPS đạt 2.831 đồng.
Rất nhiều cổ phiếu có thị giá trên 150.000 đồng
Hiện trên thị trường, rất nhiều cổ phiếu giao dịch ở mức "3 chữ số". Số cổ phiếu có thị giá trên 150.000 đồng cũng không hề hiếm. Có thể lấy ví dụ như TAG của Thế giới số Trần Anh. Nhắc đến TAG, nhà đầu tư cũng không quên chuỗi tăng điểm ấn tượng trong năm 2021 của cổ phiếu này. Mở cửa phiên giao dịch đầu năm ở vùng giá 27.000 đồng, TAG đã có khoảng 1 năm không phát sinh giao dịch lại bắt đầu tăng đột biến từ giữa tháng11 bằng chuỗi 17 phiên tăng trần liên tiếp và 2 phiên tăng điểm tiếp đó, đưa giá cố phiếu lên trên 180.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
GAB của Global Asset Business cũng là một cái tên để lại nhiều ấn tượng. Global Asset Business là một trong những doanh nghiệp khá đặc biệt trên sàn chứng khoán. Công ty có vốn điều lệ 138 tỷ đồng, tương ứng 13,8 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn. Công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch trên HoSE từ tháng 7/2019 và giá cổ phiếu GAB nhanh chóng tăng mạnh, tiệm cận vùng giá 200.000 đồng/cổ phiếu – là một trong số ít những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán.
WCS của Bến xe Miền Tây – một doanh nghiệp được gọi thân thuộc với cái tên "bé hạt tiêu". Bến xe Miền Tây có vốn điều lệ 25 tỷ đồng, đang niêm yết cổ phiếu trên HNX. Thanh khoản trên thị trường cũng không lớn. Tuy vậy thị giá cổ phiếu WCS là một "mơ ước" với nhiều mã khác. Hiện WCS giao dịch quanh mức 175.000 đồn/cổ phiếu – và trong năm 2021 đã có lúc vượt ngưỡng 220.000 đồn/cổ phiếu.
Cũng như Nam Tân Uyên, nhắc đến Bến xe Miền Tây nhà đầu tư nhớ ngay đến là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao, chỉ số EPS hàng năm đều thuộc TOP đầu. Tuy vậy năm 2021 vừa qua, "ngấm đòn" Covid-19, doanh thu công ty giảm hơn một nửa và lãi sau thuế còn 1/5 cùng kỳ, EPS về dưới 3.000 đồng. Song những khó khăn tạm thời không làm giá cổ phiếu giảm quá sâu, WCS vẫn là một trong những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ trên thị trường.
Trong thời điểm các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh Covid-19, thì một doanh nghiệp logistics hàng không là CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn lại kinh doanh tăng trưởng. Doanh thu năm 2021 tăng 21% lên 839 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng trên 21% lên 564 tỷ đồng. Giá cổ phiếu SCS có nhiều biến động trong năm, hiện vẫn duy trì mức cao, quanh vùng 160.000 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 29% so với thời điểm đầu năm 2021.
Nhóm cổ phiếu có thị giá từ 100 đến 150.000 đồng
Nhóm các cổ phiếu giao dịch "3 chữ số" rất nhiều. Có thể điểm danh như RAL của Bóng đèn Rạng Đông, như MWG của Thế giới di động, như SLS của Mía đường Sơn La, như DGC của Hóa chất Đức Giang, như SSH của Sunshine Homes, như MSN của Tập đoàn Masan, như DHG của Dược Hậu Giang, như DP3 của Dược phẩm Trung Ương 3, như SAB của doanh nghiệp ngành bia Sabeco, như SVC của Savico, như LHC của Thủy lợi Lâm Đồng, như KSF của SFinance, ACG của Gỗ An Cường...
Thay cho lời kết
Trên thực tế, các cổ phiếu có thị giá cao luôn được các nhà đầu tư quan tâm chú ý. Quan tâm có thể vì thị giá, về "hóng" diễn biến, quan tâm vì phần lớn trong số đó đều có các "câu chuyện". Do vậy, dù thanh khoản lớn hay bé, dù duy trì được vùng giá cao lâu hay nhanh, đều sẽ được các nhà đầu tư dành nhiều thời gian chú ý.
Chứng khoán sẽ tiếp đà tăng phiên đầu năm mới?
Theo thống kê, thị trường đã tăng điểm 5/6 lần trong giai đoạn 2016-2021, chỉ có năm 2020 là giảm do ảnh hưởng của Covid-19.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị/ CafeF