Số lượng binh sĩ Mỹ tới Đài Loan tăng gần gấp đôi
Trong năm đầu tiên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Biden đã điều số lính Mỹ tới Đài Loan tăng gần gấp đôi so với người tiền nhiệm.
Lầu Năm Góc tiếp tục tăng cường binh sĩ Mỹ tới Đài Loan với số lượng gần gấp đôi trong năm đầu tiên ông Joe Biden giữ chức Tổng thống.
Vào tháng 11/2020, Bộ Chỉ huy Hải quân của Đài Loan xác nhận với truyền thông rằng một nhóm lính thủy quân lục chiến Mỹ đã tới Đài Loan theo lời mời của quân đội Đài Loan. Sứ mệnh của lính thủy quân lục chiến Mỹ là hỗ trợ đào tạo cho binh sĩ Đài Loan trong vòng 4 tuần. Đây là lần đầu tiên một tuyên bố công khai về sự xuất hiện của lính thủy quân lục chiến Mỹ ở Đài Loan được đưa ra trong vòng hơn 40 năm.
Binh sĩ Mỹ. (Ảnh: AP) |
Ba ngày sau, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan chia sẻ với báo chí rằng thông tin lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ hỗ trợ đào tạo cho lính thủy quân lục chiến Đài Loan ở căn cứ không quân Tsoying là “không đúng sự thật”. Ngoài ra, vào thời điểm đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Supple cũng nói với Taiwan News rằng, “Những báo cáo về việc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Đài Loan là không chính xác”.
Song tới ngày 7/11 năm nay, tờ Wall Street Journal dẫn lời giới chức chính phủ Mỹ cho biết hơn 20 lính đặc nhiệm và hỗ trợ Mỹ đang hoạt động ở Đài Loan để đào tạo cho lực lượng lục quân Đài Loan.
Còn trước đó, hôm 28/10, bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên ở Đài Loan trong 40 năm lên tiếng thừa nhận binh sĩ Mỹ đã được triển khai tới làm nhiệm vụ ở hòn đảo này.
Cụ thể, bà Thái nói với CNN rằng lính Mỹ đang có mặt trên đảo Đài Loan, “nhưng số lượng không nhiều như mọi người nghĩ”.
Tiếp đó, tới ngày 18/11, tạp chí Foreign Policy đưa tin số lượng quân nhân Mỹ được điều động tới Đài Loan tiếp tục gia tăng trong vài tháng qua và số lượng hiện thời là 39 binh sĩ dựa theo số liệu từ Trung tâm Dữ liệu Nhân lực Quốc phòng (DMDC). Bản báo cáo mới nhất được DCDM công bố hôm 30/9 cho thấy, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đài Loan bao gồm 2 lính lục quân, 3 lính hải quân, 29 lính thủy quân lục chiến và 5 lính không quân.
Ngoài ra, 2 bản báo cáo còn liệt kê tên của các nhà thầu dân sự Mỹ hoạt động ở Đài Loan. Tính tổng cộng, số binh sĩ cùng nhà thầu Mỹ có mặt ở Đài Loan là 54 người dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, so với con số 35 người dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Còn trong bản báo cáo cuối cùng được công bố vào ngày 31/12/2016 của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ có 2 lính thủy quân, 1 lính thủy quân lục chiến và 7 lính dù, cùng 6 nhà thầu dân sự hoạt động ở Đài Loan. Tổng cộng binh lính và nhà thầu dân sự Mỹ có mặt ở Đài Loan là 16 người dưới thời Tổng thống Obama lãnh đạo. Con số này chưa bằng 1/2 so với thời ông Trump, và chưa tới 1/3 so với năm đầu tiên ông Biden nắm quyền Tổng thống Mỹ.
Cũng theo Wall Street Journal, các binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm và hỗ trợ Mỹ đang có mặt ở Đài Loan để đào tạo quân sự cho các lực lượng lục quân. Còn lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đang phối hợp với lực lượng hải quân Đài Loan trong hoạt động “huấn luyện trên các tàu cỡ nhỏ”.
Hồi năm 2019, Mỹ xác nhận một nhóm lính thủy quân lục chiến được huy động tới Đài Loan để bảo vệ Viện Mỹ mới (AIT), cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Đài Loan.
Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”. Về phần mình, Mỹ cũng cam kết tôn trọng chính sách "một Trung Quốc" được thi hành kể từ khi Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1979.
Tuy nhiên, thông qua Đạo luật các mối Quan hệ với Đài Loan năm 1979 và nguyên tắc "Sáu điều đảm bảo" được ban hành từ năm 1982, Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ Đài Loan dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo này.
Thỏa thuận 'nhạy cảm' của liên minh Mỹ - Anh - Australia khiến Trung Quốc lo lắng
Liên minh Aukus ký kết thỏa thuận chia sẻ thông tin "nhạy cảm" về động cơ hạt nhân để thực hiện đóng tàu ngầm hạt nhân cho hải quân Australia.
Minh Thu (lược dịch)