Mỹ - Nhật cần cảnh giác trước kho vũ khí 'hàng khủng' của Trung Quốc
Việc Trung Quốc đẩy nhanh phát triển tên lửa siêu thanh và mở rộng kho hạt nhân khiến Mỹ - Nhật có thêm lý do để lo lắng.
Trung Quốc đã chứng minh năng lực quân sự tối tân thông qua vụ thử vũ khí siêu thanh vào tháng Bảy và Tám. Theo các chuyên gia, bước đột phá của Trung Quốc gây quan ngại bởi di chuyển trong bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.200 km/h), vũ khí siêu thanh trở thành thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện thời.
Sự xuất hiện của vũ khí siêu thành cùng số lượng đầu đạn hạt nhân gia tăng trong kho của Trung Quốc khiến một số nhà quan sát cho rằng, đây có thể là những vũ khí mà Trung Quốc sẽ sử dụng để ngăn Mỹ và Nhật Bản can thiệp vào các cuộc xung đột tiềm tàng trong khu vực bao gồm ở Đài Loan.
Kho vũ khí và năng lực hạt nhân của Trung Quốc không ngừng mở rộng nhanh chóng khiến Mỹ - Nhật dè chừng. (Ảnh: Reuters) |
Hôm 22/11, tờ Financial Times dẫn lời các nguồn tin giấu tên thân quen với giới tình báo Mỹ cho hay cuộc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc vào tháng 7 đã đạt được tiến bộ công nghệ giúp bắn tên lửa di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh khi tiếp cận mục tiêu. Đây là năng lực mà chưa quốc gia nào chứng minh được trước đó.
Trong cuộc thử nghiệm này, công nghệ mà Trung Quốc sử dụng cho phép phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV) có thể mang đầu đạn hạt nhân phóng một quả tên lửa bay giữa không trung ở Biển Đông. Một số chuyên gia nhận định, tên lửa phóng từ HGV của Trung Quốc là tên lửa không đối không, và cũng có thể là vật ngụy trang để gây rối các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Thành tựu của Trung Quốc khiến các quan chức Lầu Năm Góc phải sửng sốt. Các chuyên gia tại DARPA, cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết họ không thể chắc chắn bằng cách nào Trung Quốc có thể phóng được vật thể từ thiết bị đang di chuyển với tốc độ siêu thanh.
Tờ Wall Street Journal trước đó cho hay giới chức Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại về các nền tảng vũ khí hiện đại của Trung Quốc có thể được dùng để “nhắm vào những cầu cảng hoặc cơ sở của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Khi được hỏi về sự phát triển năng lực quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, phát ngôn viên Lầu Năm Góc không từ chối cũng như không phủ nhận. Thay vào đó, người này nhắc lại lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào tuần trước cho rằng, Washington “quan ngại về năng lực quân sự mà Trung Quốc đang tiếp tục phát triển”.
Nhiều quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cũng có nhận định chung rằng, Mỹ đang tụt lùi trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh và công nghệ phòng thủ tên lửa.
Điển hình, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley nhấn mạnh các cuộc thử nghiệm của Trung Quốc vào tháng Bảy và Tám là “vô cùng đáng quan ngại” và giống như “khoảnh khắc Sputnik”. Cụm từ gợi nhớ tới vụ phóng vệ tinh đầu tiên của Liên Xô cũ vào năm 1957 giúp quốc gia này dẫn đầu thế giới về cuộc đua trong không gian và khiến Mỹ bị sốc.
Dàn vũ khí tối tân của Trung Quốc còn khiến các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản “đứng ngồi không yên”. Theo đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi đều nhấn mạnh bên cạnh nhiều mối đe dọa khác, các loại vũ khí siêu thanh của Trung Quốc là lý do chính khiến Nhật Bản tăng cường phòng thủ.
Ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho hay vấn đề đang gây tranh cãi trong cộng đồng các nhà phân tích hiện nay là một số người nhận định sự phát triển của Trung Quốc là "nghiêm trọng". Nhưng không ít người xem chuyện này “không thể tạo ra sự thay đổi và không đáng lo”.
Trở lại sự kiện hồi mùa hè, Trung Quốc dường như đã phóng thử nghiệm Hệ thống bắn phá quỹ đạo phân đoạn (FOBS) có chứa một thiết bị lượn siêu vượt âm bay vòng quanh Trái Đất.
“Nếu Trung Quốc vận hành được hệ thống này, họ sẽ sản xuất số lượng lớn và tích hợp cùng các tên lửa quân sự, thay vì dùng cho phương tiện phóng tàu vũ trụ. Nó còn giúp Trung Quốc có thêm một đường đi mới để tấn công Mỹ và các đồng minh, thay vì phóng tên lửa bay qua Bắc Cực, nơi các hệ thống phòng thủ và radar đặt trên mặt đất của Mỹ đang được bố trí. Nói cách khác, Trung Quốc có thể phóng HGV qua Nam Cực để tấn công Mỹ và các đồng minh của Washington”, ông Davis nói.
Theo bản báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc gửi tới Quốc hội Mỹ về năng lực quân sự của Trung Quốc vào đầu tháng này, Bắc Kinh được cho đang tập trung mở rộng kho hạt nhân chiến lược và có thể sở hữu 700 đầu đạn hạt nhân chuyển giao vào năm 2027. Con số này có thể tăng lên thành 1.000 đầu đạn vào 3 năm sau đó. Còn theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc đang có khoảng 350 đầu đạn hạt nhân.
Trong bản báo cáo thường niên trình lên Quốc hội vào tuần trước, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung nhận định bước đột phá của Trung Quốc có thể “hỗ trợ cho chiến lược mới trong chính sách sử dụng hạt nhân trước tiên có giới hạn” để ngăn chặn Mỹ và Nhật Bản can thiệp, nếu không may xung đột bùng nổ ở eo biển Đài Loan.
Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”. Về phần mình, Mỹ cũng cam kết tôn trọng chính sách "một Trung Quốc" được thi hành kể từ khi Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1979.
Dù không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Nhật Bản và Đài Loan đã có thời gian dài duy trì mối quan hệ văn hóa và thúc đẩy kinh tế. Trong những tháng gần đây, một số quan chức cấp cao Nhật Bản cũng đã nhấn mạnh khả năng Tokyo sẽ can thiệp, nếu xung đột bùng phát ở eo biển Đài Loan bởi đây có thể là mối đe dọa đối với an ninh của Nhật Bản.
Thỏa thuận 'nhạy cảm' của liên minh Mỹ - Anh - Australia khiến Trung Quốc lo lắng
Liên minh Aukus ký kết thỏa thuận chia sẻ thông tin "nhạy cảm" về động cơ hạt nhân để thực hiện đóng tàu ngầm hạt nhân cho hải quân Australia.
Minh Thu (lược dịch)