Lo sợ trước 'điềm báo' từ phía Nga, Mỹ tính chuyển thêm vũ khí cho Ukraine
Việc Nga tăng cường sức mạnh quân sự tới các vùng biên giới và bán đảo Crimea khiến Mỹ cân nhắc chuyển thêm vũ khí sát thương cho Ukraine.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc điều động các cố vấn quân sự và thiết bị mới bao gồm vũ khí cho Ukraine, giữa lúc Nga cho tăng cường lực lượng tới các vùng biên giới. Giới chức Mỹ còn cảnh báo các nước đồng minh về khả năng Nga sắp có hành động tấn công Ukraine.
Quá trình thảo luận về việc cung cấp gói hỗ trợ vũ khí sát thương diễn ra trong bối cảnh Ukraine công khai nói rằng cuộc xâm lược của Nga có thể xảy ra vào tháng 1/2022. Nguồn tin chia sẻ với CNN rằng, gói hỗ trợ vũ khí sát thương của Mỹ cho Ukraine bao gồm tên lửa chống tăng Javelin mới và súng cối.
Quân đội Ukraine tập trận. (Ảnh: Military.com) |
Các hệ thống phòng không như tên lửa Stinger cũng đang được cân nhắc chuyển giao cho Ukraine. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết một số thiết bị đáng lẽ được đưa tới Afghanistan như trực thăng Mi-17 sẽ được chuyển tới Ukraine. Mi-17 là trực thăng của Nga và ban đầu Mỹ mua để đưa sang Afghanistan. Hiện Lầu Năm Góc đang tính toán sẽ làm gì với số trực thăng Mi-17 này, sau khi Mỹ đã rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan.
Song một số quan chức trong chính phủ Mỹ lo ngại việc đưa tên lửa Stinger và trực thăng Mi-17 tới Ukraine có thể khiến Nga nhận định đây là hành động khiêu khích lớn. Trong khi đó, Mỹ có thể sẽ điều động một số cố vấn quân sự tới khu vực, nhưng không rõ họ có tới Ukraine hay không, theo nguồn tin nói với CNN.
Trung tá nghỉ hưu Cedric Leighton nhận định các tên lửa chống tăng Javelin “hoàn toàn hiệu quả chống lại xe tăng T-80 mà Nga đang triển khai trong nỗ lực chống lại Ukraine vào thời điểm hiện tại”. Song ông Leighton cảnh báo bất cứ sự hỗ trợ nào thêm cho Ukraine có thể dẫn tới nguy cơ “làm gia tăng thêm căng thẳng” với Moscow.
Các nguồn tin nói thêm, giới chức Mỹ đang tiến hành thảo luận với các đồng minh châu Âu về việc cùng nhau đưa ra các biện pháp trừng phạt mới và sẽ thi hành, nếu như Nga tấn công Ukraine.
Hôm 22/11, khi được hỏi về hoạt động quân sự của Nga, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay chính phủ Mỹ đang quan ngại và đã “tăng cường tương tác với các đồng minh và đối tác châu Âu trong những tuần gần đây bao gồm Ukraine”.
Bà Psaki nhấn mạnh thêm, Mỹ “cũng đã thảo luận với giới chức Nga về Ukraine và về các mối quan hệ Nga – Mỹ nói chung”.
Cũng vào ngày 22/11, Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã điện đàm với Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny.
Các cuộc thảo luận trên cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ thực sự quan ngại về nguy cơ Nga sẽ tấn công Ukraine, một đồng minh chiến lược của Mỹ, lần thứ 2 trong vòng 10 năm. Giới chức Mỹ hiện cố gắng bắt kịp thông tin để không bị bất ngờ trước chiến dịch quân sự của Nga như chuyện từng xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Liên bang và hỗ trợ quân nổi dậy ở miền đông Ukraine.
“Mối quan ngại của chúng tôi là Nga có thể phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong nỗ lực tái diễn những gì đã xảy ra vào năm 2014, thời điểm Nga cho điều động các lực lượng tới dọc biên giới, xâm phạm chủ quyền của Ukraine và xem đây không phải là hành động khiêu khích”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hôm 10/11.
Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga (SVR) đã phủ nhận lời cảnh báo của Mỹ và gọi đây là tuyên bố “hoàn toàn sai".
“Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua các kênh ngoại giao mang tới cho các đồng minh và đối tác thông tin hoàn toàn sai sự thật về hoạt động tập trung lực lượng của Nga trên lãnh thổ quốc gia, nhưng lại xem đây là chuẩn bị cho cuộc xâm lược Ukraine”, ông Sergei Ivanov, người đứng đầu cục báo chí của SVR nhấn mạnh hôm 22/11.
Trong những tuần qua, Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo với các đối tác NATO và đồng minh châu Âu về sự dịch chuyển bất thường của quân đội Nga gần biên giới Ukraine. Các quan chức quân sự và tình báo Mỹ cho rằng, đây là "điềm báo" sắp xảy ra một chiến dịch quân sự.
Ngay cả Ukraine cũng nhanh chóng thay đổi quan điểm về hoạt động quân sự của Nga. Hồi đầu tháng này, giới chức Ukraine còn xoa dịu tính nghiêm trọng của các bản báo cáo về việc Nga điều động số lượng lớn lực lượng tới gần biên giới nước này.
Nhưng sau khi diễn ra các cuộc họp tăng cường giữa giới chức Mỹ - Ukraine, người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Kyrylo Budanov đã công khai đưa ra lời cảnh báo rằng Nga đang tăng cường năng lực để có thể triển khai tấn công vào tháng 1/2022, mốc thời gian trùng với tính toán của Mỹ.
Bên cạnh đó, giới chức Mỹ cũng đang theo dõi sát sao động thái của Nga ở bán đảo Crimea, nơi Mosocw đã điều động binh sĩ và các đơn vị quân sự tới từ mùa xuân.
Hồi tháng Ba, Nga đã cho điều động 100.000 binh sĩ tới sát biên giới với Ukraine. Dù Nga đã cho rút quân, nhưng theo Mỹ và Ukraine, số lượng binh sĩ Nga rút lui là rất ít.
Nga điều thêm lính dù tới bán đảo Crimea, phản đối Anh hỗ trợ cho hải quân Ukraine
Nga sẽ điều thêm một trung đoàn lính dù tới bán đảo Crimea, và phản đối Ukraine dùng nguồn tài chính của Anh để nâng cao sức mạnh hải quân.
Minh Thu (lược dịch)