Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì về việc điểm chuẩn thay đổi “như sàn chứng khoán” sau một đêm?
Vừa qua, sự việc điểm chuẩn của một số trường ngoài công lập thay đổi chóng mặt như “sàn chứng khoán” khiến nhiều phụ huynh học sinh trong cảnh “sáng con đỗ, chiều con trượt” đã gây nhiều bức xúc nhất là trong điều kiện tuyển sinh căng thẳng như hiện nay.
Cụ thể, tối 29/6, sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, trường ngoài công lập THCS và THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội, phát đi thông báo mức điểm chuẩn vào lớp 10 học 2018 - 2019 là 46 điểm.
Thông báo của Trường Tạ Quang Bửu cho biết thêm thời gian hiệu lực của mức điểm chuẩn trên từ 8-11h ngày 30/6. Từ buổi chiều, mức điểm có thể thay đổi.
Đầu giờ chiều 30/6, trường này lại phát đi thông báo mới: “Chiều 30/6, trường Tạ Quang Bửu chỉ nhận 30 hồ sơ dành cho học sinh đạt điểm thi từ 49 trở lên. Điểm chuẩn ngày 1/7 sẽ được cập nhật vào 8h sáng 1/7”.
Sau một đêm, điểm chuẩn tăng lên thành 50,5 và trường công bố chỉ nhận thêm 10 hồ sơ nữa. Nhiều phụ huynh bức xúc khi điểm của con từ đỗ thành trượt sau khi điểm chuẩn liên tục thay đổi. Đối với họ, cách tuyển sinh này là "quá sức chịu đựng" khi điểm chuẩn "nhảy" từ 46 lên tới 50,5.
Ngoài ra, theo phản ánh của phụ huynh, khi nộp hồ sơ, nhà trường còn yêu cầu đóng phí ghi danh và phí dự tuyển hơn 2 triệu đồng.
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: "Theo quy định, trường ngoài công lập, tự chủ tài chính và được phép tự chủ trong tuyển sinh. Nhà trường thay đổi điểm chuẩn là tùy quyết định của lãnh đạo Ban giám hiệu sau khi căn cứ vào lượng hồ sơ nộp về.
Không chỉ trường THPT Tạ Quang Bửu mà nhiều trường khác cũng đã làm như vậy. Về nguyên tắc, nhà trường làm như thế không sai so với quy định hiện hành nhưng nhà trường cũng nên cân nhắc cách thức tuyển sinh khoa học hơn, tránh gây xáo trộn cho phụ huynh. Về phía các vị phụ huynh nên cân nhắc trong việc nộp hồ sơ cho con em mình thật kỹ rồi hãy nộp không nên nộp theo phong trào”.