Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị cho trường 45 lớp trở lên được có 3 phó hiệu trưởng
Ngày 12/8, tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 của Bộ GD&ĐT, một số lãnh đạo Sở GD&ĐT địa phương đã có đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn đang gặp phải.
Tại hội nghị, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, Nghị định 120 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập, quy định mỗi cơ sở giáo dục có không quá 2 cấp phó, đã gây khó khăn với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội, chẳng hạn như với một số trường chuyên, một số trường trọng điểm quốc gia, đặc biệt là những trường có 45 lớp học trở lên.
Số trường này chiếm tỷ lệ rất lớn trong các cơ sở giáo dục ở Hà Nội. Do chỉ có tối đa 2 phó hiệu trưởng nên các trường này gặp khó khăn trong hoạt động. “Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị với Chính phủ xem xét lại nội dung này. Nên chăng cho phép những trường có 45 lớp trở lên được phép có 3 phó hiệu trưởng”, ông Cương đề xuất.
Ông Cương cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc xây trường chuẩn quốc gia, tháo gỡ những khó khăn của Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.
Quang cảnh hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 |
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm có chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi số toàn ngành, trọng tâm là giáo dục để địa phương không bị động và không bị trùng lặp. Năm học mới 2022-2023, ngành GD&ĐT tỉnh Cà Mau xác định việc chuyển đổi số là đột phá của ngành.
Năm học qua, các đối tượng thụ hưởng theo chính sách TT01 của các Trường phổ thông dân tộc nội trú bị vướng, do đó việc tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, ông Luân kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm có văn bản điều chỉnh, gỡ khó cho địa phương.
Ngoài ra, sau 2 năm khi thực hiện chương trình nông thôn mới tại địa phương, nhiều phụ huynh và học sinh bị cắt chế độ bảo hiểm xã hội nên mong Bộ GD&ĐT phối hợp cùng BHXH có chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh đó, sức khoẻ học đường là vấn đề lớn, 2 đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất sau hậu Covid-19 là công nhân lao động và học sinh, sinh viên. Ông Luân rất mong Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình tổng thể về sức khoẻ học đường để địa phương có căn cứ thực hiện.
Đại diện ngành GD&ĐT Lai Châu thì cho biết đây là địa phương có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hàng năm chiếm trên 80%. Trong những năm qua, địa phương đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc phát triển. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp tục cho con em theo học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, khi Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc ban hành các quyết định về phân định khu vực đã tác động đến chính sách hỗ trợ học sinh ở các xã, thôn, bản không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trong bối cảnh ngân sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã tham mưu ban hành một số chính sách hỗ trợ tiền ăn cho các nhóm: trẻ em từ 24 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh; học sinh tiểu học, THCS các xã khu vực II không được hưởng chế độ theo Nghị định số 116 trên địa bàn tỉnh; học sinh ở bán trú tại các xã, thôn, bản thuộc khu vực III chuyển thành các xã, thôn, bản khu vực I. Từ đó, góp phần duy trì tỷ lệ chuyên cần, thúc đẩy chất lượng giáo dục dân tộc ngày một phát triển.
Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu kiến nghị: Để tiếp nối Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có hiệu quả, ngành GD&ĐT Lai Châu mong muốn có chương trình hỗ trợ thiết bị dạy học trực tuyến cho các nhà trường. Đặc biệt là những trường ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn vướng mắc. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn còn thiếu nhiều. Năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022-2023, Thanh Hóa sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỷ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Do đó, ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là với ngành giáo dục.
Việc mua sắm trang thiết bị chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 gặp nhiều khó khăn do Bộ GD&ĐT chỉ ban hành danh mục thiết bị, mà không có khung giá thiết bị. Việc đấu thầu mua sắm cũng gặp khó khăn khi danh mục thiết bị có tính chất đặc thù, hạn chế về số lượng đơn vị sản xuất và cung cấp. Ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ nghiên cứu chính sách cho giáo viên và học sinh miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn đã không còn được hưởng chính sách sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg.
Hoàng Thanh