Sơ cứu đúng cứu mạng trẻ khi đuối nước
Theo thống kê của Bộ Y tế, tai nạn đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các tai nạn thương tích của trẻ. Ngoài giám sát trẻ lúc trẻ đi bơi thì việc sơ cứu đúng là cách bảo vệ tính mạng trẻ khi rủi ra xảy ra.
Những ngày tháng 10, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận liên tiếp hàng chục trẻ vào cấp cứu nguy kịch vì đuối nước.
PGS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết nhiều trẻ hôn mê vì đuối nước. Có trường hợp trẻ đuối nước do đi bơi ở bể bơi, có trẻ đuối nước do ngã xuống ao thậm chí trẻ bé đuối nước ngay chính trong chiếc phao bơi mini tại gia đình.
Trường hợp bé trai N.V.A 12 tuổi, trú tại Hải Dương bị ngã xuống ao nuôi cá của gia đình. Bé đã được cấp cứu ban đầu nhưng khi đưa vào viện đã trong tình trạng kích thích, lơ mơ.
Bệnh viện tuyến dưới đã mở nội khí quản và đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi vào Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu bé V. A đã trong tình trạng suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, SP02 67%, chảy máu nhiều qua ống nội khí quản.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực cho trẻ như thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao, lọc máu, tiêm kháng sinh và điều trị chống phù não. Tiên lượng vô cùng khó khăn.
PGS Tuấn cho biết đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ đuối nước nguy hiểm vì trẻ có thể suy hô hấp, tử vong do thiếu oxy kéo dài.
Nhiều trẻ vào cấp cứu sau đuối nước đều suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ô xy kéo dài là do không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách.
Tai nạn đuối nước có thể đến với trẻ trong chớp mắt mgay cả khi bố mẹ ở gần hồ bơi và cả khi trẻ nhỏ đã mặc áo phao. Nhiều cha mẹ chủ quan nghĩ rằng trẻ có phao bơi nhưng thực tế đã ghi nhận trẻ đuối nước tử vong khi bị lật phao.
Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh khi cho con em đi bơi vào mùa hè. Không những phải chú ý nhiều hơn tới con cái, người làm cha mẹ còn phải dạy các bé những kỹ năng sống còn để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra.
Đồng thời, người lớn xung quanh cũng nên chú ý tới sự bất thường của trẻ để kịp thời sơ cứu.
BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đuối nước là tai nạn đáng tiếc và hay gặp nhất. Nhiều trẻ tử vong do đuối nuối nước do cha mẹ, người lớn tại hiện trường không biết cách sơ cứu. Với đuối nước, sơ cứu sai là đánh mất cơ hội sống của trẻ.
Vì vậy, bác sĩ Tiền hướng dẫn nếu bạn gặp trẻ đuối nước tại hiện trường cần cấp cứu ngưng tim, ngưng thở cho trẻ. Nếu quan sát thấy trẻ tím tái cần ngửa đầu, nâng cằm quan sát nhịp thở của trẻ nếu lồng ngực không động đậy là trẻ có biểu hiện ngưng tim ngưng thở.
Bạn cần gọi người xung quanh tới hỗ trợ và tiến hành sơ cứu ngưng tim, ngưng thở cho trẻ ngay lập tức.
Cách sơ cứu ngưng tim, ngưng thở cho trẻ:
Bước 1: Đặt gót bàn tay vào dưới xương ức, tay còn lại chồng lên tạo đường vuông góc với lồng ngực dùng sức toàn thân ấn xuống 30 lần liên tiếp và thổi ngạt hai lần. Nếu có người giúp đỡ thì ấn 15 lần, người khác thổi ngạt 2 lần.
Khi sơ cứu cần ngửa đầu,nâng cằm trẻ và áp miệng vào miệng trẻ, bịt mũi và thổi 2 cái đủ độ sâu và tiếp tục ấn tim trẻ như ban đầu thêm 30 lần nữa và lại thổi ngạt 2 lần. Cứ thực hiện như vậy trong vòng 2 phút. Nếu không có đồng hồ bạn có thể nhẩm tính 6 đến 8 chu kỳ ấn tim, thổi ngạt.
Bước 2: Đánh giá lại nếu trẻ vẫn tím tái bạn vẫn tiếp tục ấn tim thổi ngạt. Trẻ thở lại, kích thích trẻ có đáp ứng thì bạn nghiêng trẻ sang 1 bên ở tư thế an toàn.
Tư thế nằm nghiêng an toàn chân trên co, chân dưới duỗi thẳng và di chuyển trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất cấp cứu tiếp theo. Trẻ vẫn tím tái bạn vẫn ấn tim liên tục, thổi ngạt để trẻ đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, giảm thiểu nguy cơ di chứng về sau cho trẻ.
BS Tiến khẳng định sơ cứu đúng là cách cứu sống trẻ và giảm di chứng vì nếu không ấn tim, thổi ngạt liên tục thì trẻ có thể bị chết não, nếu cứu sống thì di chứng về sau cũng rất nặng nề.
Khánh Chi