Số ca mắc sốt xuất huyết tăng, nhiều người trẻ rơi vào tình trạng sốc
Ngộ độc paracetamol
Thông tin từ Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) ngày 29/11 cho biết các bác sĩ vừa kịp thời cứu sống một trường hợp bệnh nhân nữ 35 tuổi mắc sốt xuất huyết nặng do nhập viện muộn.
Đáng lưu ý, trước nhập viện 5 ngày, bệnh nhân đau bụng âm ỉ kèm buồn nôn, đau mỏi cơ, sốt liên tục. Bệnh nhân tự mua thuốc uống nhưng không khỏi, đến khi tình trạng đau bụng và nôn ói ngày càng nặng nề mới đi cấp cứu.
Trong quá trình tự điều trị, người bệnh đã uống tới 40 viên paracetamol.
Tình huống của bệnh nhân này khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Bởi hiện nay, tại Hà Nội dịch sốt xuất huyết vẫn bùng phát, số ca mắc vẫn tăng, bệnh nhân hầu hết được hướng dẫn tự điều trị tại nhà, trong đó thuốc paracetamol gần như ai cũng sử dụng.
Vậy người mắc sốt xuất huyết sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào để tránh tình trạng ngộ độc như nữ bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh trên?.
Trao đổi với phóng viên, BS Đinh Thế Tiến, Bệnh viện đa khoa Đức Giang nhấn mạnh, paracetamol là thuốc “đầu tay” dùng hạ sốt trong các bệnh. Theo đó, các bác sĩ khuyên chỉ nên uống paracetamol khi sốt cao trên 38.5 độ và ngày uống không quá 4 viên 500mg.
“Trường hợp bệnh nhân nữ ở TP Hồ Chí Minh mới đây là do ngộ độc thuốc hạ sốt. Thông thường trong các bệnh cần dùng thuốc hạ sốt nếu lạm dụng đều có nguy cơ như vậy. Do đó, đối với người bị sốt xuất huyết thông thường nhiệt độ nền sẽ cao trong 2-3 ngày đầu. Người bệnh chỉ dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38.5 độ và không uống quá 4 viên loại 500mg trong một ngày.
Người sốt xuất huyết bị sốt cao tuyệt đối không lạm dụng thuốc hạ sốt. Đặc biệt người bệnh cũng không cần sốt ruột đưa nền nhiệt độ về bình thường mà chỉ cần dịu cơn sốt là được.
Để thân nhiệt dịu bớt bên cạnh việc uống paracetamol người thân nên kết hợp chườm ấm, tăng cường bù nước… mà không nên rút ngắn thời gian uống thuốc hạ sốt”, BS Tiến lưu ý.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo người sốt xuất huyết sốt cao trong 2-3 ngày đầu cũng không cần thiết vào viện ngay nếu không có những dấu hiệu cảnh báo: vật vã, li bì; đau bụng nhiều và liên tục tăng cảm giác đau vùng gan; nôn ói nhiều 2-3lần/giờ; tiểu ít; xuất huyết niêm mạc (chảy máu chân răng, mũi); nôn ra máu, tiểu phân đen hoặc có máu; tiểu máu, xuất huyết âm đạo.
“Nếu bệnh nhân có những dấu hiệu này thì cần đến viện. Tại đây các bác sĩ sẽ cân nhắc việc để bệnh nhân nhập viện. Đặc biệt người sốt xuất huyết cũng không được dùng các thuốc hạ sốt dạng Aspirin, Ipuprofen và cũng không cần thiết dùng kháng sinh nếu chưa có dấu hiệu bội nhiễm”, BS Thế Tiến lưu ý.
Số ca mắc tăng 4,1%, 2 trường hợp tử vong trong tuần, nhiều bệnh nhân trẻ mắc
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần vừa qua (tuần 47) ghi nhận 1.435 trường hợp mắc, 2 tử vong liên quan (Đống Đa, Thanh Trì), số mắc tăng 4,1% so với tuần trước (1.378/2).
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần như: Hà Đông (207), Đống Đa (133), Thanh Trì (115), Thanh Oai (92), Chương Mỹ (85).
Tính đến 25/11/2022, Hà Nội ghi nhận 14.872 trường hợp mắc, 18 trường hợp tử vong liên quan.
So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,5 lần, tử vong tăng 18 ca (3.265 trường hợp, 0 tử vong). Quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thanh Oai (1.244), Đan Phượng (1.142), Hà Đông (1.042), Đống Đa (979), Thường Tín (891), Thanh Trì (853). Bên cạnh đó, toàn Thành phố đã ghi nhận 1.160 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện.
BS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý một tình trạng báo động, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng rất nhanh, có người sốt 3 ngày đã rơi vào sốc - khác biệt với những mùa dịch trước, trong số đó có nhiều người trẻ tuổi.
BS Phúc nhìn nhận so với đợt dịch năm 2017, số bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn thấp hơn đợt bùng dịch cách đây 5 năm. Tuy nhiên theo quan sát thì có vẻ như năm nay tỉ lệ bệnh nhân nặng lại cao hơn dù chưa kết thúc đợt dịch và số ca tử vong cũng gia tăng hơn. Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nhanh bất thường, có ca rơi vào sốc chỉ sau 3 ngày.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc tăng tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong trong vụ dịch năm nay, BS. Phúc cho hay, một phần do tâm lý chủ quan của bệnh nhân, tự điều trị tại nhà mà không có thăm khám của bác sĩ.
Bên cạnh đó, tình trạng dịch chồng dịch khiến bệnh nhân đồng nhiễm nhiều bệnh, các triệu chứng chồng chéo dẫn đến chẩn đoán nhầm nên không điều trị đúng, kịp thời.
Tuy nhiên, BS Phúc cũng nhấn mạnh đó là những giả định để đưa ra kết luận phải cần có các nghiên cứu đánh giá thêm.
N. Huyền