Số ca mắc Covid-19 bật tăng chưa có dấu hiệu giảm
Hiện Hà Nội hơn 10 ca tử vong do mắc Covid-19 một ngày. Nhưng nếu số ca mắc tiếp tục tăng thì không chỉ dừng ở hơn 10 ca mà có thể mấy chục ca/ngày…
Số ca mắc mới Covid-19 đã tăng mạnh trong khoảng 10 ngày, đặc biệt là một tuần trở lại đây. Theo số liệu công bố của Bộ Y tế, các ca mắc Covid-19 ghi nhận trong ngày liên tục lập "đỉnh" mới.
Cụ thể ngày 17/2, cả nước ghi nhận 36.200 ca nhiễm mới. Trong đó, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong nhiều ngày qua. Liên tiếp một tuần sau Tết, số ca bật tăng hơn 3.000 ca/ngày, cá biệt ngày 15/2, Hà Nội ghi nhận gần 4.000 ca mắc ( 3.972 ca). Điều này khiến người dân không khỏi lo ngại, nhất là khi học sinh, sinh viên từng bước trở lại trường học.
PGS. TS Trần Đắc Phu, những ca mắc Covid-19 mới tại Hà Nội vọt tăng trong những ngày gần đây là điều chắc chắn đã được dự báo từ trước.
Bởi vì khi đã nới lỏng có giao lưu, đi lại sẽ có sự tiếp xúc giữa người nhiễm Covid-19 với bình thường, đặc biệt sau Tết có sự đi lại giữa các địa phương, các vùng của Hà Nội với nhau.
Trước thực trạng số ca mắc bật tăng như hiện nay, câu hỏi đặt ra là hiện Hà Nội có kiểm soát được dịch hay không?
Trả lời vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch. Điều này thể hiện ở việc tỷ lệ tiêm phòng vắc xin của Hà Nội cao, thứ hai dù số ca nhiễm tăng nhưng ca F0 chuyển nặng và tử vong không tăng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, sau kỳ nghỉ Tết ghi nhận số mắc Covid-19 tăng cao khi Hà Nội mở cửa lại một số dịch vụ, ngành nghề và trường học. Tuy nhiên, theo đánh giá thì công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố vẫn bảo đảm khi tỷ lệ bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong vẫn trong tầm kiểm soát.
|
Ảnh minh hoạ |
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết tỉ lệ ca có chuyển nặng của Hà Nội hiện khoảng 5%. So với tỉ lệ ca chuyển nặng khoảng 11% như thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thời điểm mức độ phủ vắc xin thấp hơn (tháng 10-2021) và chưa có mũi vắc xin tăng cường, cho thấy tỉ lệ ca chuyển nặng hiện nay đã giảm nhiều.
“Tuy vậy không thể chủ quan lơ là buông lỏng được vì nếu không làm tốt các giải pháp thì dịch sẽ bùng lên ngay.
Chúng ta chỉ hạn chế số nhiễm, chứ chúng ta không thể nói rằng không có ca nhiễm. Mà càng nới lỏng thì số ca nhiễm càng tăng. Vấn đề đặt ra là phải làm cách nào để số ca chuyển nặng không tăng, không gây quá tải cho hệ thống y tế và không tử vong cao”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Ý thức người dân là yếu tố quan trọng
Ông Phu cũng nhấn mạnh, Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung đặc biệt là những địa phương có số ca mắc tăng cao phải luôn để ý đến số ca chuyển nặng. Tình trạng ấy hiện như thế nào? Hệ thống y tế đã quá tải hay chưa để điều chỉnh các biện pháp kiểm soát, phòng dịch phù hợp.
“Theo đó nếu số ca tăng quá cao, hệ thống y tế có dấu hiệu quá tải, không kiểm soát được dịch thì lúc ấy lại phải tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế số ca mắc tăng lên.
Một số ý kiến cho rằng nên thả lỏng, coi như bệnh truyền nhiễm thông thường nhưng tôi cho rằng chưa phù hợp. Nói gì thì nói Hà Nội hiện mỗi ngày vẫn chết hơn mười ca do Covid-19.
Chúng ta phải đặt câu hỏi nếu không có dịch liệu có chết không? Có bệnh nào một ngày chết hơn 10 người không?
Tôi vẫn nói mặc dù số tử vong trên số người mắc giảm đi nhưng nếu số ca mắc tăng chắc chắn số tử vong sẽ cao. Như Hà Nội nếu số ca tiếp tục tăng lên thì con số không chỉ dừng ở hơn 10 ca mà có thể mấy chục ca /ngày. Nên luôn luôn phải để ý vấn đề đó không buôn trôi, thả lỏng được”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Hơn thế nữa, hiện một số ý kiến quốc tế cho rằng việc tiêm vắc xin mũi 3 sau 4 tháng cũng giảm miễn dịch nên PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh “càng không thể chủ quan”.
Giải pháp đặt ra theo PGS. TS Trần Đắc Phu là “không cấm đoán” nhưng chuyển sang “kiểm soát rủi ro”. “Lấy biện pháp dự phòng theo đặc thù của mỗi loại hình hoạt động, đặc thù của mỗi ngành nghề (lễ hội, hàng không, giáo dục…) đặt lên hàng đầu. Trong đó biện pháp chung vẫn là 5K (khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung đông người…).
Dự báo thời gian tới tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp khi mở cửa trở lại hoạt động vận tải, du lịch, giáo dục, giao thương quốc tế..., Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.
N, Huyền
Con thành F0 sau khi đến trường, bố mẹ ngại ngần cho trẻ chưa tiêm quay lại lớp
Khi chấp nhận có ca mắc trong cộng đồng thì cũng phải chấp nhận học sinh đến trường bị nhiễm Covid-19. Phụ huynh không nên quá lo lắng, bởi các cháu mắc Covid-19 thường triệu chứng nhẹ.
Nhiều người là F1 đã vội vàng uống thuốc dành cho F0
Khi thấy người nhà bị Covid-19, nhiều người quá lo lắng đã đi tìm các đơn thuốc dành cho F0 để mua uống với hi vọng phòng còn hơn chống.
4 nguyên tắc xây dựng hệ miễn dịch cho trẻ khi đi học trở lại
Trẻ trở lại trường học nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sẽ cao hơn nhưng nếu không đi học sẽ ảnh hưởng về lâu dài nhiều hơn. Các bác sĩ cho rằng chuẩn bị cho trẻ đến trường, trẻ cần được xây dựng một hệ miễn dịch thật tốt.