Sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ mới được tốt nghiệp
Đó là thông tin do bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), Phó trưởng Ban Thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cho phóng viên VOV.VN biết tại Hội thảo Phương pháp dạy và học tiếng Anh do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức sáng 13/6 tại Hà Nội.
Theo đó, Bộ GD-ĐT xác định chuẩn đầu ra đối với sinh viên các trường ĐH, CĐ. Đối về các trường CĐ chuyên ngữ, sinh viên phải đạt 4/6 bậc (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc), hệ ĐH phải đạt 5/6 bậc.
Đối với sinh viên học chuyên ngành bằng ngoại ngữ yêu cầu chuẩn đầu ra là bậc 4 |
Đối với sinh viên các trường ĐH, CĐ không chuyên ngữ yêu cầu chuẩn đầu ra phải đạt bậc 3. Đối với sinh viên học chuyên ngành bằng ngoại ngữ yêu cầu chuẩn đầu ra là bậc 4.
Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn quy định, lộ trình đạt chuẩn đầu ra đối với sinh viên chuyên ngữ và chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Bắt đầu từ năm học 2015-2016, sinh viên ở các khóa đào tạo chuyên ngữ phải đạt chuẩn đầu ra thì mới được công nhận tốt nghiệp.
Bên cạnh những kết quả giảng dạy, học tập khả quan ở những trường ĐH chuyên ngữ lớn, phần lớn sinh viên đạt được chuẩn đầu ra theo yêu cầu thì hệ thống các trường ĐH, CĐ địa phương đào tạo sinh viên vẫn còn rất khó khăn trong việc đạt chuẩn đầu ra. Vì vậy, ngành giáo dục ở các địa phương cần phải có sự tham gia tích cực hơn nữa trong việc đào tạo-giảng dạy ngoại ngữ
Theo bà Vũ Thị Tú Anh, dự kiến đến năm 2025, tất cả sinh viên các trường ĐH, CĐ trên cả nước phải đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ thì mới được công nhận tốt nghiệp.
Đóng góp vào việc dạy tiếng Anh ở cấp Tiểu học, GS.TS Virginia Evans, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nhà xuất bản Express Publishing cho rằng, giáo viên cần đổi mới kỹ năng, phương pháp để học sinh ở cấp Tiểu học thích nghi và học tốt môn Tiếng Anh.
Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2008-2020 (Đề án 2020) có đề cập đến việc giảng dạy tiếng Anh từ cấp Tiểu học. Tuy nhiên, để thực hiện Đề án, nhiều địa phương, trường học chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên việc giảng dạy cho học sinh Tiểu học còn chưa được hiệu quả.
Theo GS.TS Virginia Evans, để việc giảng dạy tiếng Anh cho học sinh Tiểu học hiệu quả thì điều quan trọng nhất là phải làm cho các em cảm thấy hào hứng, thích thú. Trong giờ học, giáo viên phải tận dụng những tranh ảnh, băng đĩa, nhạc để học sinh nhớ từ mới và cách phát âm cũng như phát huy được tính sáng tạo bằng cách giao bài tập đòi hỏi thử trí thông minh, nhanh nhẹn, xử lý tình huống của học sinh.
Đối với sách giáo khoa nên kèm theo đĩa nhạc phát âm, nghe nói ở tốc độ phù hợp để học sinh học tiếng Anh một cách chính xác. Trong sách giáo khoa nên có phần giới thiệu về văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam và các nước.
Bích Lan/VOV.VN