Sinh viên chống tham nhũng ngay trên giảng đường
Nhóm bạn sinh viên trong CLB nền giáo dục sạch trao đổi thông tin |
Những hoạt động của CLB “Vì một nền giáo dục sạch” của Đại học Ngoại Thương là cơ hội tốt để sinh viên bày tỏ tình cảm của mình với thầy cô. Qua đó, thầy cô cũng nhận được những thông điệp từ học sinh như đạo văn, đi thầy xin điểm, hay những tiêu cực khác trong học tập.
Thầy cô phải là những người đi đầu gương mẫu, còn với học sinh thầy cô là người định hướng, giúp đỡ học trò đi đúng hướng để giúp mình xây dựng một môi trường sạch, không gian dối trong tương lai.
Bạn Trương Ngọc Mai, sinh viên Đại học Ngoại Thương Hà Nội, thành viên một nền giáo dục sạch cho rằng: “Việc đi thầy cô giáo tồn tại trong học sinh, sinh viên hiện nay đã gây không ít bức xúc cho những sinh viên có năng lực thực sự, những người phấn đấu bằng chính khả năng và tính trung thực của mình…”
Theo Mai, các bạn sinh viên ở trường có thể là vô tình hay cố tình vi phạm vào các phạm trù đạo đức như đi phong bì thầy cô, quay cóp bài thi… để được điểm cao, một phần các bạn sinh viên đó không biết hoặc không được giáo dục bài bản.
“Bản thân em là những người tham gia mô hình vì một nền giáo dục trong sạch cũng là nâng cao sự hiểu biết của mình, đối phó với những hành vi xấu từ trước đến nay em vẫn coi là hiển nhiên. Bản thân chúng em tham gia thấy được đâu là hành động đúng, đâu là hành động sai để thông báo cho những bạn sinh viên khác” – Mai cho biết.
Khi được hỏi, phần đông các bạn sinh viên đã từng biếu quà, phong bì thầy cô để ngược lại nhận được điểm cao, không phải thi lại hoặc được học bổng. Cũng có những bạn đi xin việc bằng “cửa sau” không công bằng, minh bạch… và từ đó các bạn sinh viên bắt đầu hình thành tư duy tham nhũng.
Thầy Phan Văn Lộc, Đại học Ngoại Thương cho rằng: “Chúng ta cần đẩy mạnh việc phòng chống tham nhũng trong học đường, và đây là cách chống tham nhũng bền vững, vì chính các em là tương lai của đất nước”.
Theo thầy Lộc, đây là cách để các em lên tiếng phòng chống tham nhũng trong học đường, tiêu cực trong thầy cô… ví dụ như quay cóp, đạo văn, đi thầy, mua bằng, bán điểm, bằng giả… Kết quả sơ bộ đưa ra, đạo văn trong học sinh, sinh viên có giảm hơn.
Còn CLB “Vì một nền giáo dục sạch” của nhóm giảng đường tươi đẹp của học viện Báo chí và Tuyên truyền lại chọn cách tiếp cận mềm mại và hiệu quả bằng các buổi giao lưu, tọa đàm, trao đổi… thay vì sự lên án, đấu tranh.
Chính vì bộ quy tắc ứng xử giữa thầy và trò nên những thông điệp có sức lan tỏa lớn với các chủ đề như: Chiếc phong bì không có tội, dạy và học văn hóa, phòng chống tham nhũng trong giảng đường đại học, những con đường không trải hoa hồng… đã tác động rất lớn tới ý thức của cả thầy và trò, đã khiến sinh viên càng yêu trường, yêu lớp và bản thân mình càng phải có trách nhiệm, minh bạch với chính bản thân mình cũng như đối với thầy cô.
Khi mà giáo dục phòng chống tham nhũng chưa được đưa vào trường học một cách bài bản thì việc hình thành các mô hình CLB hoạt động tự phát “Vì một nền giáo dục sạch” của sinh viên sẽ đem lại những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, để sinh viên bước đi trên con đường phía trước bằng năng lực và nói không với tham nhũng thì các em cần được rèn luyện kỹ càng trong môi trường gia đình và nhà trường.
Theo một số chuyên gia giáo dục, hiện nay, nhiều sinh viên còn tư tưởng xin cho điểm, học sinh biết bố mẹ vất vả như thế nào để chạy vào trường. Chúng ta đã dung dưỡng những môi trường không tốt, tạo thành lối tư duy xấu, từ đó ngấm dần vào học sinh và tạo thành hành vi và tạo thành đạo đức xấu. Do đó, khi ra đời chúng ta không bao giờ chống được tham nhũng.