Shisha - loại thuốc lá được giới trẻ ưa chuộng có hại như thế nào?
Shisha không hề vô hại như nhiều người nghĩ |
Shisha hay hookak còn gọi là thuốc lào Ả Rập. Được nghĩ ra bởi Hakim Abu’l-Fatḥ Gīlānī (1506-1605) tại Ấn Độ (ông là một bác sĩ người Ba Tư). Thành phần thuốc trong shisha bao gồm thảo mộc, hương liệu, một số chất kích thích có khả năng gây nghiện được thêm vào để tăng cảm giác. Sử dụng bằng một bình hít với các ống ngậm.
Sau này, văn hóa hút shisha đã lan truyền sang các nước Trung Đông và dần dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Shisha bắt đầu du nhập vào Việt Nam khoảng vài năm nay, và đang trở thành mốt ăn chơi trong giới trẻ, phổ biến từ quán bar cho đến các quán cafe. Ngày nay không khó để bắt gặp các bạn trẻ hút shisha với vẻ ngoài sành điệu.
Tuy nhiên, trên thực tế vẻ sành điệu của shisha chỉ là vẻ ngoài của hàng loạt những nguy hại cho sức khỏe của người sử dụng mà thôi
Đã có rất nhiều báo cáo trên thế giới về khói Shisha cho thấy tác hại không thua kém gì thuốc lá, thậm chí còn độc hơn. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Hiệp hội Ung thư Mỹ, lượng khói hít vào cơ thể khi hút Shisha trong vòng 1 giờ tương đương với khi hút từ 100 đến 200 điếu thuốc lá.
Đồng thời, tỉ lệ nicotine ngấm vào cơ thể khi hút shisha cao hơn thuốc lá tới 70%.Một bình shisha như hiện tại thường được hút trong thời gian khoảng 40 phút - như vậy số lần hít vào sẽ là từ 50 - 200 lần. Lượng khói này tương đương với 0,15 - 0,5 lít khói. Đó quả là số lượng khủng khiếp.
- Thành phần khói shisha chứa nhiều chất gây ung thư, CO, kim loại nặng, hắc ín.
- Thải ra lượng CO gấp 8.4 lần thuốc lá, nicotin gần gấp đôi, cho một lần hít.
Theo nhóm nghiên cứu về các sản phẩm liên quan đến Thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới năm 2015, shisha chứa nhiều thành phần độc hại như thuốc lá: formaldehyde, acetaldehyde, and acrolein, 210Po(ảnh hưởng như chất độc phóng xạ), nitrosamine, PAH. Một số nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng lên tâm thần kinh, bệnh lý tim mạch, đặc biệt bệnh mạch vành, và ung thư gấp 5 lần người không dùng như ung thư đường hầu họng, ung thư bang quang, ung thư máu….
Bên cạnh đó, khi dùng chung một ống ngậm, người sử dụng shisha có thể mắc nhiều bệnh truyền nhiễm do lây truyền các mầm bệnh nguy hiểm. Cùng với đó việc nhiều người dùng chung một ống hút có thể lây nhiễm các bệnh như lao, viêm gan, các bệnh răng miệng. Nghiên cứu còn cảnh báo nguy cơ sanh trẻ nhẹ cân khi thai phụ sử sụng shisha.
Theo một số nghiên cứu khác, việc sử dụng than để đốt thuốc hút shisha cũng khiến khả năng mắc ung thư, tắc nghẽn phổi mạn tính... tăng cao tới 5 lần.
Vì nhu cầu người dùng và vì lợi ích kinh tế cao, shisha đang dần bị biến tướng, nó không còn đơn thuần là loại thuốc hút có hương vị trái cây mà được pha trộn nhiều hợp chất gây nghiện khác nhau. Để thu hút thêm khách hàng, một số nơi đã sử dụng "chiêu" chế shisha bằng cách bỏ thêm vào bình shisha nguyên chất một vài nguyên liệu như rượu, ma túy để tăng độ "phiêu". làm cho người sử dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong nếu lạm dụng.
Rượu chế vào shisha có thể gây dị ứng cho người hút, đôi khi gây rát cổ, tê họng, bỏng… cho người sử dụng. Thậm chí, nếu dùng phải rượu giả, người hút còn có thể bị shock, ngạt thở, trụy tim, suy hô hấp, nếu không được cấp cứu kịp thời còn có thể bị tử vong.
Nguy hiểm hơn, việc sử dụng shisha có chứa ma túy sẽ dẫn đến tình trạng nghiện từ nhẹ tới nặng, gây ảo giác liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh và não bộ, tương tự như tác hại của hiện tượng "phê" ma túy vậy.
Nếu như trước đây shisha được cho là một thú vui "quý tộc" do giá thành cao và không dễ kiếm thì ngày nay, shisha càng ngày càng rẻ và cực kì phổ biến. Chính vì thế các bạn trẻ rất dễ dàng sử dụng shisha hơn. Tuy nhiên không nên vì thế mà quyết định thử hút shisha vì shisha không hề vô hại, thành phần thuốc phức tạp chưa được kiểm soát kỹ tại các quan bar và café, không đơn thuần là thảo dược và hương liệu, cũng có khả năng gây nghiện. Shisha chưa nhiều chất độc hại, với hàm lượng cao hơn thuốc lá gấp nhiều lần, có nguy cơ gây các bệnh lý nguy hiểm như ung thư hoặc tim mạch, cần tuyệt đối tránh xa.