SGK điện tử cho học sinh tiểu học gây tranh cãi
SGK điện tử chưa được nhiều người yên tâm nếu cho học sinh tiểu học sử dụng |
Tại hội thảo đề án “Thí điểm chương trình sách giáo khoa (SGK) điện tử lớp 1, 2, 3” do UBND TP HCM và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP tổ chức ngày 18-7, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết theo mục đích ban đầu của đề án, SGK điện tử là làm một cuốn sách vừa có thể tải hết kiến thức vừa giảm áp lực mang vác cho học sinh.
Mỗi học sinh một… máy tính bảng
Theo NXB Giáo dục và Tập đoàn Intel (đơn vị triển khai phần mềm trong SGK điện tử), SGK điện tử được phát triển trên máy tính bảng 8 inch. Ngoài chương trình phổ thông, thiết bị này còn có hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học. Ngoài ra, cơ chế kiểm soát internet và các ứng dụng cài đặt giúp nhà trường và phụ huynh yên tâm hơn về việc con em mình sử dụng thiết bị này.
Tuy nhiên tại hội thảo, nhiều ý kiến băn khoăn như SGK điện tử có phù hợp với học sinh quá nhỏ tuổi? SGK điện tử là thiết bị bổ trợ hay thay thế toàn bộ SGK truyền thống? Bà Cao Thị Tuyết Mai, Phó Phòng GD-ĐT quận 4, lo ngại ở độ tuổi lớp 1, các cháu còn quá nhỏ để ý thức giữ gìn sản phẩm sử dụng lâu dài.
Đồng tình với ý kiến này, bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó Phòng GD-ĐT quận 10, đặt vấn đề: “Thời gian qua, việc sử dụng bảng tương tác đã có nhiều ý kiến cho rằng ảnh hưởng đến thị lực học sinh nhỏ tuổi, vậy SGK điện tử có an toàn cho mắt của các cháu?”
Kinh phí ở đâu?
Nhiều ý kiến tại hội thảo bày tỏ băn khoăn về nguồn kinh phí sử dụng SGK điện tử. Bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, thắc mắc tuy là trường có điều kiện vật chất khá tốt tại quận 1, lại được phụ huynh quan tâm đầu tư nhưng việc trang bị máy tính bảng cho học sinh thì kinh phí lấy ở đâu, phụ huynh tự trang bị hay kinh phí của nhà trường, ngân sách địa phương?
“Nếu phụ huynh tự trang bị thì không thể đồng bộ vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện, trong khi nhà trường không thể lo cho tất cả các lớp. Nếu triển khai không tốt sẽ nảy sinh bất bình đẳng trong môi trường giáo dục. Trong khi đó, nếu chỉ trang bị mỗi lớp vài bộ thì học sinh không thể mang về. Vậy sự phối hợp giáo dục ở gia đình sẽ rất khó” - bà Hạnh phân tích.
Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cho biết khối 1, 2, 3 của trường đã lên tới gần 1.000 học sinh, việc trang bị mỗi em một bộ SGK điện tử sẽ là vấn đề lớn. Trong khi đó, đại diện nhiều quận, huyện ngoại thành khẳng định sẽ rất khó áp dụng vì kinh phí khó khăn. Bà Cao Thị Tuyết Mai dẫn chứng toàn quận 4 chỉ 1 trường có phòng đa truyền thông nên việc đầu tư SGK điện tử sẽ gặp khó khăn.
Bà Trần Thị Thanh Thủy cho rằng đề án thí điểm SGK điện tử phải thuyết phục được xã hội về hiệu quả và công bằng. Để sử dụng hiệu quả thì phải chuẩn bị rất nhiều, ít nhất với trẻ lớp 1 thì phải sau học kỳ đầu.
Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến băn khoăn về việc SGK điện tử có thay thế cách dạy truyền thống? Nếu thoát ly cách dạy truyền thống thì việc đào tạo giáo viên sẽ như thế nào, có ảnh hưởng đến việc đọc sách của học sinh lâu nay? “SGK điện tử mà sao chép y chang sách cũ thì có ổn không? Chẳng hạn, khi miêu tả cây mà cây vẫn tĩnh lặng như sách giấy thì có cần thiết? SGK điện tử chỉ nên dừng lại là công cụ hỗ trợ và chưa thể thay thế hẳn cách dạy truyền thống” - ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, đề xuất.
Đầu tư cho con người nên cần cẩn trọng
Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho rằng liên quan đến việc viết phần mềm, nhất là phần mềm SGK điện tử thì phải công khai để các công ty viết phần mềm cạnh tranh, không nên độc quyền.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Ban Ngân sách (HĐND TP), chi phí của đề án khá lớn nhưng không phải cứ nghe nhiều tiền là sợ, né tránh. Vấn đề là đầu tư cho con người thì cần phải cẩn trọng, có quá trình khảo sát từng quận, từng trường, từng gia đình… “Còn nhiều vấn đề phải bàn, lấy ý kiến để tìm ra phương án tốt nhất” - ông Hứa Ngọc Thuận kết luận.
Nguồn NLĐ