Sâu tre, món lạ vùng cao
Đĩa sâu tre xào thơm ngon |
Đặc sản
Giữa tháng 10 âm lịch, chúng tôi may mắn được thưởng thức bữa ăn đặc biệt của người Pa Kô. Như lời hứa cho khách thưởng thức món ăn lạ, bà con nơi đây quyết tìm một thứ “đặc sản” có từ xa xưa, họ thường gọi là sâu tre.
Bác sĩ Lê Quang Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới cho biết: "Sâu tre hay còn gọi là sùng tre, là con vật được một số bà con vùng cao A Lưới hay bắt về chế biến các món ăn. Loài sâu tre này có hàm lượng đạm cao, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe".
Bá Trí (ghi)
Mâm cơm được dọn ra, bên cạnh những nắm bột sắn được hấp chín và ốc núi chiên là đĩa sâu tre xào và tô canh sâu tre nấu thơm. Sâu có màu trắng, kích thước nhỏ hơn đầu đũa, hao hao giống nhộng nhưng hình dáng nhỏ hơn, được chế biến khá bắt mắt. Thấy chúng tôi ái ngại, bà Ka Dư (60 tuổi), người chế biến món ăn này cười bảo: “Thử một lần rồi sẽ thấy ngon. Những vị khách đến đây ban đầu nhìn ai cũng sợ, nhưng ăn rồi sẽ nghiền. Người ta nói con sâu làm rầu nồi canh chứ ở đây là con sâu làm giàu nồi canh”.
Đặt đũa dùng thử món “đặc sản” vùng cao, chúng tôi cảm nhận được vị béo của sâu hòa lẫn trong cách chế biến, nêm nếm gia vị của người Pa Kô. Bà Ka Dư bảo, sâu tre được chế biến theo hai kiểu, một là sau khi bắt về đem phơi khô trước khi chế biến, hoặc luộc sơ qua để sâu cứng lại trước khi nấu món ăn nào đó. Cách làm này làm cho sâu giữ được chất ngon. Ngoài ra, từ loại sâu chỉ có ở miền núi này, có thể chế biến ra hàng chục món ăn khác nhau như xào, chiên, băm chả,… mà những người dân ở A Lưới thường giới thiệu đó thứ đặc sản vùng cao lạ mắt nhưng không kém phần dinh dưỡng.
Già làng Hồ Văn Hạnh (xã Hồng Trung) chia sẻ, sâu tre là món ăn đặc biệt của người miền núi. Ngày trước, lúc kiếm cái ăn khó khăn, thế hệ những người xưa đã biết cách tìm ra món sâu tre để dùng bữa. Khi cuộc sống khá lên, món ăn sâu tre dần quên lãng, bởi lớp trẻ không có kinh nghiệm bắt con vật này. Mặt khác, để có đĩa sâu tre xào như ở mâm cơm, cũng phải dụng công từ khâu bắt đến khâu chế biến, có khi phải hơn cả ngày liền mới có được món sâu tre dùng trong bữa cơm. “Ngày nay, chúng tôi dùng món sâu tre đãi khách hoặc lâu lâu ăn để nhớ lại thứ ẩm thực đặc biệt của ngày xưa. Rất hiếm nên có khi đặt tiền trước chúng tôi cũng không có để bán cho khách thưởng thức”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Kinh nghiệm bắt sâu tre
Mâm cơm ở vùng cao có đĩa sâu tre xào |
Dẫn chúng tôi đến những lùm tre um tùm của núi rừng A Lưới, ông Phạm Thái Xuân (83 tuổi) bắt đầu hành trình tìm sâu tre. Vừa làm, ông vừa bảo, thật kinh nghiệm mới phát hiện cây tre nào có loại sâu này để bắt. Lớp người xưa từng một thời dùng sâu tre để sống qua bữa nên nhìn là có thể biết ngay nhưng với lớp trẻ ngày nay, họ thường chặt theo kiểu cầu may.
Sâu tre sống trong thân những cây tre non, chỉ xuất hiện từ tháng 10-12 âm lịch. Muốn tìm loại sâu này, người dân phải dựa vào những lỗ nhỏ trên thân tre, rồi nhìn sang lá, măng để xác định. Sâu tre là loại khó kiếm, nếu chỉ nhìn một bộ phận của cây tre, khả năng bổ ra sẽ không có sâu ở trong đó. Nhưng nếu tìm đúng, trung bình mỗi lóng tre sẽ cho đến cả đĩa sâu. Ông Xuân nhấn mạnh, người tìm sâu không cần chặt cả cây tre mà chỉ tìm những đốt tre có dấu hiệu sâu sống trong đó.
Những năm gần đây, loại sâu này ít xuất hiện trên những lùm tre ở A Lưới, cũng vì lẽ đó những món ăn từ sâu tre dần ít được người dân, ngay các gia đình sống tại vùng cao này biết đến. Ông Xuân tâm sự, ngay trên cây tre, cũng có nhiều loại sâu, nhưng chỉ loại sâu trong thân tre ăn mới ngon và nhiều chất dinh dưỡng. “Đây là món ăn thời ông cha để lại, không ai bán ngoài thị trường và cũng không phải năm nào cũng có. Đĩa sâu tre như là thứ đặc sản mà thiên nhiên ban tặng. Người tìm sâu luôn nhớ một điều, tìm sâu nhưng không phá tre. Chính khó khăn khi bắt nên lúc ăn càng thấy món ăn này ngon hơn”, ông Xuân khẳng định.
Ký ức của món sâu tre đối với những bậc cao niên ở bản làng A Lưới khá gần gũi. Cho đến ngày nay, họ lại có những kỷ niệm mới bên món ăn đặc sản này là những lần tiếp khách từ miền xuôi lên muốn tìm hiểu văn hóa vùng cao. Và như lời họ nói, món ăn này khiến chúng tôi nhớ mãi trên đường về bởi vị ngon đặc biệt và vô cùng khó kiếm.
Bài, ảnh: LÊ HỮU PHÚC/Báo Thừa Thiên - Huế