Sáu nước ‘hợp lực’ với EU tiếp tục trừng phạt Crimea
Hôm 24/8, các nước Ukraine, Gruzia, Montenegro, Albania, Iceland và Na Uy tuyên bố tiếp tục kéo dài các lệnh trừng phạt chống Nga và Crimea.
EU không có ý định biến Belarus thành Ukraine thứ hai
Mới đây, Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell cho biết trong một cuộc phỏng vấn với El Pais (Pháp) rằng Liên minh châu Âu sẽ không biến Belarus thành một Ukraine thứ hai.
RIA trích dẫn thông tin từ Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell cho biết các nước Ukraine, Gruzia, Montenegro, Albania, Iceland và Na Uy sẽ tuần thủ các lệnh trừng phạt chống Nga hiện tại đối với vấn đề Crimea.
Bán đảo Crimea. (Ảnh: RIA) |
Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu cho biết, EU rất quan tâm tới quyết định này của các nước và hoàn toàn hoan nghênh.
Vào tháng 6, đại diện thường trực 27 quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu đã nhất trí tiếp tục gia hạn một năm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga trong vấn đề sáp nhập Crimea và Sevastopol, kéo dài tới ngày 23/6/2021.
Đây là năm thứ sáu liên tiếp EU kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga, liên quan sự kiện tại Ukraine năm 2014 và việc sáp nhập bán đảo Crimea và Sevastopol vào Nga. Các biện pháp trừng phạt bao gồm: lệnh cấm xuất nhập khẩu hàng hóa; cấm cung cấp bất kỳ khoản đầu tư nào vào công nghệ và dịch vụ kỹ thuật cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải, viễn thông, năng lượng, sản xuất và lọc dầu, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại bán đảo, cấm sở hữu bất động sản cũng như tài trợ kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch.
Ngoài ra, tàu bè các nước EU không được phép cập cảng Crimea, máy bay của EU cũng không được hạ cánh tại các sân bay ở Crimea, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp.
Người đứng đầu Bán đảo Crimea Sergei Aksenov, gọi quyết định này là “truyền thống”. Theo ông Aksenov, việc đưa ra những biện pháp trừng phạt chống lại Nga xung quanh vấn đề Crimea từ lâu đã trở thành một “thói quen” của phương Tây để che giấu các vấn đề của chính họ và là một cách để chuyển trọng tâm chú ý của công chúng.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các biện pháp trừng phạt được EU áp đặt đối với Nga nhằm mục đích cản trở sự phát triển của bán đảo Crimea, tuy nhiên Moscow hoàn toàn có thể khắc phục được những khó khăn này.
“Tôi rất tiếc nói rằng chúng tôi đang phải đối mặt với hàng loạt những trở ngại cũng như rào cản ở Crimea dưới nhiều hình thức khác nhau, từ các biện pháp hạn chế đến lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhất”, ông Putin nói.
Tổng thống Putin cũng khẳng định rằng việc hạn chế tối đa những thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt chống Nga đòi hỏi phải có giải pháp đối phó hợp lý. “Ở đâu có ý chí thì sẽ có cách, vì vậy chúng tôi sẽ vượt qua mọi khó khăn”, ông Putin nhấn mạnh.
Các biện pháp gây sức ép này là hệ lụy của những tranh cãi dai dẳng giữa Nga và EU xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, đã cho thấy những vết nứt “chưa được hàn gắn” giữa đôi bên.
Crimea trở thành một khu vực của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 3/2014, trong đó 96,77% cử tri ở Cộng hòa Crimea và 95,6% cư dân của Sevastopol đã ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau cuộc đảo chính ở Ukraine.
Ukraine vẫn coi bán đảo Crimea là phần lãnh thổ nhưng tạm thời bị chiếm đóng. Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng sự sáp nhập của bán đảo Crimea vào Liên bang Nga không hề trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, vấn đề bán đảo Crimea đã hoàn toàn khép lại.
Thanh Bình (lược dịch)