Sau khoản lỗ nghìn tỷ, bầu Đức còn lại gì?
Khoản lỗ lũy kế của HAG lên đến 6.301 tỷ đồng, HAG cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu, dẫn đến những ngờ vực về khả năng tiếp tục hoạt động
Theo nội dung công bố thông tin giải trình về khoản lỗ 2.368 tỷ đồng trong năm 2020 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), công ty này cho biết nguyên nhân thua lỗ chủ yếu là do trích lập dự phòng các khoản công nợ tồn đọng và dự phòng đầu tư vào CTCP Chăn nuôi Gia Lai theo nguyên tắc thận trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc HAG cho biết, Ban Tổng Giám đốc HAG đang tiến hành lập kế hoạch và cam kết lợi nhuận cho năm 2021. Dự kiến lợi nhuận của năm 2021 sẽ được tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động tài chính.
Theo kế hoạch, mảng kinh doanh trái cây sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận vì công ty đã có lượng khách ổn định và đang tiếp tục mở rộng thị trường. Về hoạt động tài chính, Tổng giám đốc HAG cam kết tập đoàn sẽ “tạo ra lợi nhuận khá nhiều và đủ khả năng bù đắp chi phí lãi vay”. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng sẽ giảm do số dư vay nợ giảm nhiều so với các năm trước.
Trong khoản lỗ 2.368 tỷ đồng của năm 2020 của HAG, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 2.022 tỷ đồng. Bên cạnh nguyên nhân trích lập dự phòng, phần doanh thu từ hoạt động tài chính cũng giảm gần 850 tỷ đồng so với năm 2019 do trong năm công ty không còn ghi nhận nhiều khoản lãi từ việc thanh lý các khoản đầu tư.
Tính đến 31/12/2020, khoản lỗ lũy kế của HAG đã lên đến 6.301 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 6.500 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động tiếp tục của Tập đoàn.
Vào ngày 08/01/2021, Công ty cổ phần Quốc tế Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico (công ty con của HAG) đã tiến hành ĐHCĐ bất thường và thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải để hoán đổi các khoản nợ phải trả với tổng trị giá 7.414 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính các năm gần đây của HAG cho thấy, từ năm 2018 công ty đã phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ của các bên liên quan, lần lượt qua hai năm 2018 và 2019 là 7.594 tỷ đồng và 10.504 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 trích lập cho khoản nợ của Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai (Công ty con do HAG sở hữu 79,73%) 5.856 tỷ đồng, đến năm 2020 là 3.412 tỷ đồng.
HAG vẫn phải trích lập dự phòng cho khoản nợ của cá nhân Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức và các cá nhân có liên quan lên đến 1.466 tỷ đồng. Các khoản nợ này được bảo lãnh bằng cổ phiếu HAG và HNG.
Tại ngày 31/12/2020, HAG có 6 công ty con trực tiếp, 14 công ty con gián tiếp, 2 công ty liên kết và 4 chi nhánh.
Trong lĩnh vực nông nghiệp có các công ty: CTCP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (40,29%, đến nay sau khi hoán đổi khoản nợ sang cổ phiếu cho Thaco, tỷ lệ sở hữu của HAG tại HNG chỉ còn 29,78%); CTCP Cao su Hoàng Anh – Quang Minh (40,29%); Công ty TNHH Nông nghiệp và Công nghiệp Cao su Hoàng Anh – Quang Minh tại Lào (40,29%); CTCP Hoàng Anh Đắk Lắk (40,29%); Công ty TNHH MTV Cao su Ban Mê (40,29%); Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu tại Lào (40,29%); CTCP Bò sữa Tây Nguyên (40,29%); Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (78,22%); Công ty Nông nghiệp Đại Thắng tại Lào (78,22%); Công ty Phát triển Xây dựng Khăn Xay tại Lào (78,22%); CTCP Chăn nuôi Gia Lai (79,73%)...
Trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ, HAG hiện đang sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp gồm: CTCP Thể thao HAGL (51%); Bệnh viện Đại học Y dược – HAGL (99%); Công ty Kinh doanh XNK HAGL (40,29%).
Báo cáo tài chính năm 2020 cũng cho thấy HAGL đã thoái vốn khỏi Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai.
Hiền Anh