Sau khi đoạt giải Olympic, nhân tài đi về đâu?
Màn giới thiệu của đoàn Việt Nam tại lễ khai mạc IChO sáng 21-7 Ảnh: TTXVN |
Vui mừng trước việc Việt Nam bội thu huy chương Olympic quốc tế nhưng các chuyên gia giáo dục nhận định điều quan trọng không dừng ở thành tích mà là chính sách để các em phát huy tài năng và cống hiến cho đất nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 20-7 cho biết cả 5 HS dự thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2014 tại Kazakhstan đều đoạt giải, gồm 3 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương bạc (HCB). Trước đó, toàn bộ 4 học sinh (HS) Việt Nam dự thi Olympic Tin học quốc tế tại Đài Loan đều đoạt HCB và HCĐ. Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn đoạt 1 HCB, 3 HCĐ Olympic Sinh học quốc tế. Đáng chú ý, với 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ, đoàn Việt Nam đã xếp thứ 10 trong 101 nước và vùng lãnh thổ dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2014.
Không dễ có huy chương
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP HCM, cho rằng có HS đi thi quốc tế không dễ. Trước hết, trường phải tuyển được những HS giỏi đầu vào và có đội ngũ giáo viên tâm huyết, đáp ứng nhu cầu chuyên môn đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi. Ngoài ra, mỗi bộ môn phải lên chiến lược giảng dạy bắt đầu từ lớp 10 cho tới khi tham dự các kỳ thi HS giỏi.
Với cơ cấu giải quốc tế, các môn đều lấy 50% số lượng có huy chương. Trong đó, 1/6 là HCV, còn lại 1/3 HCB và 1/2 HCĐ. Chẳng hạn, môn tin học có 300 thí sinh dự thi thì có khoảng 25 HCV, 50 HCB và 75 HCĐ. Như vậy, không dễ đoạt được huy chương.
Trước một số ý kiến cho rằng HS đoạt giải quốc tế đôi khi do được luyện kiểu “gà nòi”, ông Nguyễn Khắc Minh - cán bộ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, người nhiều năm ôn tập và dẫn đoàn Việt Nam tham dự các kỳ Olympic Toán học quốc tế - khẳng định HS “mũi nhọn” của Việt Nam thực sự rất tốt. Theo ông, “gà nòi” thì rất cần và đã cần thì phải luyện, không có gì sai. “Đi thi thì ai cũng phải luyện, kể cả trong các lĩnh vực thể thao hay văn hóa đều như thế” - ông Minh nhấn mạnh.
Chuyên gia vật lý Vũ Đình Túy - người nhiều năm dẫn đoàn dự thi Olympic quốc tế - cho biết những bài thi Olympic đòi hỏi sự sáng tạo cao, không phải cứ luyện máy móc sẽ làm được. “Trong một cuộc thi đấu đỉnh cao, ai không có khả năng thì luyện tập bao lâu đi thi cũng không đạt kết quả. Những em đoạt huy chương đều có tài năng thực sự” - ông Túy nói.
Ông Vũ Đình Túy dẫn chứng: Tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế ở Bali - Indonesia năm 2002, HS Đặng Ngọc Dương đã đạt đủ điểm để giành HCV. Tuy nhiên, khi chấm lại bài làm của HS, các chuyên gia của đoàn Việt Nam nhận thấy Dương đáng đạt điểm cao hơn và đã trình bày cách làm sáng tạo của Dương ra trước hội đồng chấm thi của nước chủ nhà.
Sau đó, Đặng Ngọc Dương đã được cộng thêm gần 4 điểm và trở thành thí sinh có điểm số cao nhất cuộc thi, hơn HS đoạt HCV cao nhất của đoàn Trung Quốc tới 2 điểm, đồng thời còn được nhận thêm giải đặc biệt về bài thi thí nghiệm có điểm số cao nhất.
Thiếu chính sách hỗ trợ
Khẳng định kỳ thi Olympic quốc tế là sân chơi lớn mà các nước đều muốn tham gia, ông Túy nhận định từ sân chơi này, nhiều nhà khoa học tương lai đã được phát hiện và sau đó phát triển rất tốt. Không phải tất cả những HS từng đoạt giải Olympic quốc tế đều trở thành những nhà khoa học nhưng số đông đều thành đạt trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.
Đánh giá về những HS từng đoạt huy chương Olympic quốc tế, chuyên gia Nguyễn Khắc Minh cho biết Lê Hùng Việt Bảo, đoạt HCV liên tiếp 2 kỳ Olympic Toán học quốc tế (năm 2003 và 2004), là một tài năng nhiều triển vọng. Khi học ngành toán tại ĐH Cambridge (Anh), 3 năm liền, Bảo đều đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc nhất ngành toán của trường. “Lê Hùng Việt Bảo là niềm hy vọng, có thể sẽ làm được điều gì đó lớn lao như GS Ngô Bảo Châu” - ông Nguyễn Khắc Minh bày tỏ.
Ngoài Lê Hùng Việt Bảo, ông Minh cho biết thêm phần lớn những học sinh đoạt giải quốc tế đều đang nghiên cứu ở nước ngoài.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng nhìn nhận: Điều đáng buồn là nước ta hầu như chưa có những chính sách cụ thể để HS đoạt giải quốc tế học xong lớp 12 được đi du học ngay và sau đó quay về đóng góp cho đất nước. Phần lớn HS Trường Phổ thông Năng khiếu đều tự tìm học bổng để đi du học. Đến nay, nhiều HS trở thành các nhà nghiên cứu, giảng viên uy tín, chuyên gia giỏi ở nước ngoài.
Về lâu dài, ông Nguyễn Thanh Hùng đề xuất nên có chính sách để các em sau khi hoàn thành chương trình học ở nước ngoài sẽ quay về cống hiến cho đất nước. Nhiều HS năng khiếu rất mong muốn về cống hiến nhưng mọi nỗ lực hợp tác đều mang tính chất cá nhân, chưa có một chính sách cụ thể để huy động nguồn lực từ những cựu HS tham dự kỳ thi quốc tế cũng như du HS nói chung.
Nguồn NLĐ