“Sáng tạo mô hình tàu chiến đấu” - sân chơi mới của Học viện Hải quân
Giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Học viện Hải quân; công tác nghiên cứu khoa học đã mang lại hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời phát huy khả năng lao động khoa học, sáng tạo của đội ngũ giảng viên, học viên, góp phần trực tiếp xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Cuộc thi “Sáng tạo mô hình tàu chiến đấu” là một trong những hoạt động thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học của học viên Học viện Hải quân trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, áp dụng hiệu quả các bài học vào thực tiễn và góp phần củng cố kiến thức chung về tàu chiến đấu Hải quân.
Các đại biểu tham quan mô hình tàu chiến đấu của các đơn vị tham gia cuộc thi. |
Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, từ trường Huấn luyện bờ bể (thành lập ngày 26/4/1955), cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, đến nay Học viện Hải quân đã trở thành Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của Quân chủng Hải quân và Bộ Quốc phòng, được xác định là một trong 10 trường trọng điểm của quân đội đào tạo cán bộ hải quân có trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Với đội ngũ cán bộ giảng viên đông đảo về số lượng và trình độ ngày càng cao: 100% giảng viên có trình độ đại học trở lên, trong đó trên 70% có trình độ sau đại học, một số đồng chí đã được phong chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư; với hệ thống trung tâm mô phỏng, giảng đường, phòng học chuyên dùng, phòng thực hành thực nghiệm tương đối đồng bộ và hiện đại; số lượng học viên đào tạo các cấp ngày càng nhiều, Học viện Hải quân trở thành một trong những nhà trường có tiềm lực nghiên cứu khoa học mạnh trong quân đội.
Để có một sân chơi khoa học cho giảng viên và học viên thể hiện tài năng sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa học và hành là điều trăn trở của nhiều thế hệ cán bộ Học viện Hải quân. Ngay từ năm 2002, khi Đài Truyền hình Việt Nam phát động Cuộc thi Robocon Việt Nam do Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Broadcasting Union) tổ chức mang tên ABU Robocon, cán bộ, học viên Học viện Hải quân đã tích cực tham gia, cổ vũ cho phong trào sáng tạo robot của thanh niên trong khu vực. Nhiều năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Hải quân đã quan tâm và tạo mọi điều kiện tổ chức các Cuộc thi Robocon tại Học viện nhằm chọn ra những đội mạnh nhất đi tham dự Robocon Việt Nam. Tuy nhiên, để gắn kết phong trào học tập, nghiên cứu khoa học với thực tiễn, năm 2013, Phòng Khoa học Quân sự (Học viện Hải quân) đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện phát động Cuộc thi “Sáng tạo mô hình tàu chiến đấu” nhằm thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học của học viên Học viện Hải quân trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, áp dụng các bài học vào thực tiễn, góp phần củng cố kiến thức chung về tàu chiến đấu hải quân.
Năm 2013, lần đầu tiên Học viện Hải quân tổ chức Cuộc thi “Sáng tạo mô hình tàu chiến đấu”, với 5 mô hình tàu chiến đấu của 5 đơn vị học viên tham gia. Kết quả có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Mô hình tàu chiến đạt giải Nhất của cuộc thi hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân.
Mô hình tàu Hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 tiếp cận tiến công mục tiêu tại cuộc thi. |
Năm 2014, trong 2 ngày (17 và 18/11), Học viện Hải quân tiếp tục tổ chức thành công Cuộc thi “Sáng tạo mô hình tàu chiến đấu” lần thứ 2 với 6 sản phẩm dự thi. Sản phẩm dự thi năm 2014 khá đa dạng và bảo đảm chất lượng hơn năm trước. Một số mô hình tàu chiến có tính sáng tạo cao như: mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của học viên Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 5, tàu tên lửa tiến công nhanh Monliya 1241.8 của học viên Tiểu đoàn 2 hay mô hình tàu ngầm Ki-lô 636 của Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 4. Các mô hình đều có đi kèm hệ thống điều khiển từ xa tương đối hoàn chỉnh.
Sản phẩm dự thi được học viên các tiểu đoàn được thiết kế dưới sự trợ giúp, hướng dẫn của các khoa giáo viên chuyên ngành. Tất cả các thiết bị đều mới 100% từ thân vỏ, mặt boong đến gia công cơ khí các bộ phận chân vịt, bánh lái, thiết kế mạch in, hệ thống điều khiển vũ khí... Hầu hết các đơn vị đều tận dụng thế mạnh của mình để đưa công nghệ điều khiển hiện đại vào thiết kế sản phẩm. Ví dụ, mô hình tàu tên lửa tiến công nhanh Monliya 1241.8 của học viên Tiểu đoàn 2, hệ thống vũ khí trang bị được điều khiển qua Wifi 2,4GHz, hình ảnh thực truyền qua màn hình mô phỏng máy tính dựa vào kỹ thuật Wifi mobil robot nên người điều khiển có cảm giác như đang đứng trong khoang chỉ huy.
Cuộc thi năm 2014 có độ khó cao hơn so với cuộc thi năm 2013 cả về phần thiết kế mô hình lẫn thực hiện nhiệm vụ. Các mô hình thiết kế không chỉ bảo đảm về hình dáng mà còn phải giữ đúng tỷ lệ thu nhỏ so với kích thước thực tế của các tàu chiến đấu hiện có; đồng thời có thể vận động dưới nước một cách linh hoạt và tham gia tiến công mục tiêu. Các sản phẩm dự thi muốn giành được điểm cao phải có khả năng bắn trúng mục tiêu trong quá trình vận động dưới nước ở 3 vị trí tiếp cận khác nhau, gần nhất 8 mét và xa nhất là 20 mét. Đây là phần thi khó nhất, tuy nhiên hầu hết các đội thi đã đạt được yêu cầu đề ra. Kết quả cuộc thi, Đội thi Tiểu đoàn 1 đạt giải Nhất với mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9. Ngoài ra, Cuốc thi năm 2014 còn có giải Sáng tạo dành cho mô hình tàu ngầm Ki-lô 636 của Đội thi thuộc Tiểu đoàn 3 và các giải khác.
Cuộc thi “Sáng tạo mô hình tàu chiến đấu” thực sự đã trở thành sân chơi khoa học thiết thực, bổ ích của học viên Học viện Hải quân, thể hiện sự say mê khoa học; đồng thời củng cố kiến thức đã học, nắm chắc, hiểu sâu về kỹ - chiến thuật của tàu chiến. Cuộc thi là sân chơi để mọi học viên có điều kiện sáng tạo, từ đó vận dụng vào thực tiễn, khai thác sử dụng thành thạo vũ khí trang bị của Hải quân nhân dân Việt Nam. Sân chơi khoa học bổ ích này chắc chắn sẽ được tiếp tục tổ chức và phát triển sâu rộng hơn nữa. Hy vọng những năm sau, Cuộc thi “Sáng tạo mô hình tàu chiến đấu” không chỉ có các đội học viên của Học viện Hải quân, mà có thêm nhiều mô hình tàu chiến đấu của sinh viên các trường đại học khác cùng tham gia để có thêm nhiều mô hình sáng tạo và hữu ích trong thực tiễn, góp phần nhân thêm tình yêu biển, đảo của tuổi trẻ cả nước, xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính qui, tinh nhuệ và hiện đại.
Đại tá Trần Trọng Bảy, Phó Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Học viện Hải quân
Theo Báo điện tử quốc phòng
(Tựa bài do Infonet đặt lại)