Sai lầm của học sinh khi chọn trường trước, chọn nghề sau
TS Trần Văn Tính (Đại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi với học sinh trường THPT Việt Đức về việc chọn nghề nghiệp tương lai. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Một sai lầm của học sinh, phụ huynh hiện nay, theo TS Tính là tâm lý "chạy theo danh tiếng của trường" để chọn trường trước, chọn ngành sau. Cách làm này có thể dẫn đến việc chọn nhầm nghề, khiến người học chán nản. Mặt khác, có những trường dù tồn tại cả 100 năm, chất lượng đào tạo chưa chắc tốt bằng trường mới xây dựng. Bởi lẽ trường mới có đội ngũ giảng viên trẻ trình độ cao, cơ sở vật chất hiện đại, luôn cập nhật cái mới.
"Việc trúng tuyển vào một đại học nào đó không đồng nghĩa với việc phù hợp ngành nghề trường ấy đào tạo. Nói cách khác người trúng tuyển dù ở mức độ thủ khoa vẫn có thể chọn nhầm nghề. Do đó, việc xác định nghề nghiệp phải chọn ngành trước, trường sau", ông Tính nói.
Chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng hiện nay học sinh Việt Nam lựa chọn ngành nghề ở đại học rất cảm tính, một phần là các em chưa trải nghiệm và tìm hiểu kỹ lưỡng công việc tương lai. Điều này dẫn đến rất nhiều sinh viên năm nhất chán nản và hối hận với lựa chọn của bản thân. Ông Tính khuyên học sinh trước khi chọn ngành nên xem xét kỹ mong muốn và khả năng của bản thân có phù hợp với công việc đó. Ngoài ra, các em cần tìm hiểu yếu tố thị trường lao động và sự phát triển của nghề nghiệp trước khi đưa ra lựa chọn.
Học sinh trường THPT Việt Đức hứng thú nghe buổi tư vấn chọn nghề của chuyên gia. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Nghề phát triển như thế nào; nghề nào phát triển tốt nhất và dễ xin việc nhất; nghề nào có thu nhập cao nhất; nghề nào là danh giá nhất; học đại học có phải con đường duy nhất để thành công không; chọn một ngành học có phải nghiệp của cả đời không; xã hội phát triển cần người làm nghề như thế nào", chuyên gia tâm lý giáo dục đặt ra 7 câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời trước khi lựa chọn ngành nghề cho tương lai.
Câu hỏi về lựa chọn nghề nghiệp của TS Tính được học sinh THPT Việt Đức hứng thú trả lời. Có em cho rằng, nghề nào bản thân giỏi nhất thì dễ xin việc và có thu nhập tốt nhất.
Đáp lại, chuyên gia tâm lý kể câu chuyện người bạn lấy bằng tiến sĩ Ngôn ngữ tại Nga nhưng về Việt Nam thất nghiệp, phải học tại chức ngành Ngôn ngữ Anh và hiện đi dạy ngoại ngữ. Ông Tính cho rằng giỏi là chưa đủ để dễ xin việc, có thu nhập tốt. Một ví dụ khác là 6 năm trước học sinh đua nhau chọn ngành Tài chính Ngân hàng để học đại học nhưng ra trường vô số thất nghiệp.
"Nghề nào xã hội cần và có nhu cầu cao, ta nên lựa chọn nghề đó... Nghề có thu nhập cao nhất là nghề chuyên nghiệp nhất, tức phát huy tối đa năng lực cá nhân, đáp ứng nhu cầu thị trường và được công nghệ hóa", ông Tính nói.
Chuyên gia chỉ ra một số ngành nghề mới phát triển theo nhu cầu xã hội (bán hàng online, kiểm định...), những ngành nghề yêu cầu sức lao động đơn giản sẽ bị máy móc thay thế trong tương lai, các ngành dù xã hội thay đổi vẫn không thể thay thế (nghề dạy học) và cho rằng học sinh cần quan tâm yếu tố này để chọn được công việc có thể theo đuổi và phát triển lâu dài.
Yếu tố truyền thống gia đình được TS Trần Văn Tính khuyên học sinh "đừng nên bỏ qua" khi lựa chọn nghề nghiệp. Bởi lẽ, nếu được gia đình hỗ trợ từ mặt kiến thức nghề nghiệp, các mối quan hệ, cơ hội thành công trong công việc sẽ cao hơn rất nhiều.
"Học đại học không phải con đường duy nhất để thành công nhưng nó giúp cho người học có một trình độ nhất định, biết suy nghĩ. Đây là nền tảng cơ bản đề thành công", ông Tính nói, động viên các học sinh trường Việt Đức tối thiểu phải học lấy được bằng đại học để vững bước vào đời.
Theo VNE