Sách tham khảo: Ma trận không đáng có dành cho phụ huynh
“Ma trận” sách tham khảo
Không thể phủ nhận sách tham khảo là nguồn bổ sung kiến thức quan trọng cho học sinh cũng như đội ngũ giáo viên trong việc dạy học. Không chỉ vậy, nhiều bậc phụ huynh cũng coi sách tham khảo vật không thể thiếu trong cặp sách con em mình. Nắm bắt tâm lý đó, các nhà xuất bản đã tung ra hàng loạt loại sách tham khảo với đủ chủng loại, mẫu mã để áp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều đầu sách như hiện nay đang biến thị trường sách tham khảo không khác gì một “ma trận”. Điều này khiến không ít học sinh, phụ huynh, mà thậm chí các giáo viên lâm vào cảnh rối trí khi chọn mua sách…
Theo khảo sát của PV Infonet tại các nhà sách ở TP Hà Nội, tính riêng mỗi bậc học cũng có đến hàng trăm loại sách tham khảo khác nhau từ nhiều nhà xuất bản như: Giáo dục Việt Nam, ĐH Sư phạm, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, Đà Nẵng, Mỹ Thuật…
Ngay đối với học sinh mới vào lớp 1, theo quan sát của PV, các phụ huynh cũng đã “vã mồ hôi” để cân nhắc xem nên mua quyển nào. Chưa kể, có những đầu sách còn bao gồm tập 1 và tập 2, không ít phụ huynh phải đối chiếu từng cặp mới đưa ra được quyết định.
Lấy ví dụ với sách tham khảo môn Toán lớp 1, nhân viên bán hàng đã đưa ra cho PV hàng loạt sự lựa chọn: Toán bồi dưỡng học sinh lớp 1 (NXB GDVN), Toán nâng cao lớp 1 (NXB GD), Vở bài tập Toán nâng cao lớp 1 -quyển 1&2 (NXB ĐHSP),…
Trong số này, lại có không ít đầu sách có tên tương tự nhau của các nhà xuất bản khác nhau khiến người mua không khỏi rối trí. Cụ thể, NXB Giáo dục Việt Nam in cuốn “Vở bài tập toán 1 nâng cao” thì NXB ĐH Sư phạm lại có “Vở bài tập toán nâng cao lớp 1”.
Còn ở môn Tiếng Việt, NXB Giáo dục Việt Nam tung “Bài tập cuối tuần Tiếng Việt 1” thì NXB ĐH Sư phạm cũng ra “Ôn tập cuối tuần môn Tiếng Việt 1”. Thậm chí, có trường hợp đều do NXB ĐH Sư phạm in ra nhưng tên đầu sách cũng gần như y chang, như “Vở bài tập toán nâng cao lớp 1” và “Bài tập toán nâng cao lớp 1”, hay “Bài tập Tiếng Việt nâng cao lớp 1” và “Vở bài tập Tiếng Việt nâng cao lớp 1”,…
Điều này cũng gây khó khăn cho nhiều phụ huynh có con học ở các lớp trên. Sau nhiều giờ nghiên cứu tìm sách tham khảo cho con vào đầu lớp 2, anh Nguyễn Đăng Huy (Ba Đình, Hà Nội) thở dài: “Sách tham khảo giờ nhiều quá mà chẳng biết quyển nào hơn quyển nào, nhìn qua thấy nội dung cũng tương tương nhau. Mà tên sách thì có khi chỉ khác nhau ở trật tự từ. Thật khó để quyết nên chọn mua quyển nào cho hợp lý”.
Sách nhiều càng “ẩu” nội dung
Có thể thấy rõ sự tiến bộ về mặt nội dung cũng như hình thức của các đầu sách tham khảo hiện nay đi cùng với những đổi mới của nền giáo dục. Đặc biệt nếu nhìn vào sách tham khảo ở bậc tiểu học, nhiều sách đã có sự đầu tư hơn về hình ảnh, cách ra đề, trình bày,…
Tuy nhiên, nội dung bên trong vẫn còn cho thấy những bất cập, cho dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan. PV đặc biệt chú ý với hệ thống sách tham khảo cho học sinh lớp 1, bởi đây được xem là lớp nền tảng bắt đầu đối với trẻ.
Dạo qua chỗ bày bán sách tham khảo dành cho lớp 1 tại nhà sách khu vực Quận Cầu Giấy, Hà Nội, chỉ xem qua một lúc chúng tôi đã phát hiện nhiều lỗi sai trong số sách tham khảo ở đây.
Lấy ví dụ, trong cuốn “Vở bài tập Tiếng Việt nâng cao 1, tập 1 (NXB ĐH Sư phạm), ở trang 25, với câu hỏi số 3, yêu cầu học sinh phân biệt cột chữ nào cần viết hoa. Nhưng dường như tác giả lại “quên” đi rằng một trong số những từ đó, là từ “chỉ chỏ” không có trong từ điển tiếng Việt.
Đề không phải là tìm lỗi sai về chính tả, người lớn có thể nhận ra ngay đó là một lỗi sai về mặt chính tả của người biên soạn hoặc biên tập. Nhưng với học sinh lớp 1, điều này rất nguy hiểm bởi có thể khiến trẻ nhầm đây là cách viết đúng, mà đáng lẽ ra phải là “chỉ trỏ”, và chuyện các em đọc xong không hiểu từ này có nghĩa gì là chuyện hoàn toàn xảy ra.
Còn ở trang 26 cuốn “Giúp em tập viết chữ đẹp Tiếng Việt”, quyển 4 (NXB ĐHQG TP HCM) thì cả đoạn văn mẫu đang nói đến nhân vật bạn Trinh, thì đến gần cuối đoạn lại viết: “Tring nói:…”.
Điều này là quá “ẩu” đối với đối tượng mới tiếp cận mặt chữ như học sinh lớp 1. Và ai dám chắc là trẻ sẽ không viết lại một đoạn văn y chang như “đoạn văn mẫu” ấy, có cả bạn Trinh và bạn Tring!
Thực tế về những "hạt sạn' này không chỉ xuất hiện trong sách tham khảo cho trẻ tiểu học mà ở các bậc học khác, câu chuyện chất lượng này cũng vẫn đang bỏ ngỏ.