Sách tham khảo đã nhiều, thầy cô còn làm tiếp thị
Đó là một trong những bất cập được GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nêu lên trong cuộc trao đổi với PV báo điện tử Infonet về thực trạng thị trường sách tham khảo hiện nay.
Ông có thể cho biết quan điểm trước thực trạng sách tham khảo hiện đang được xuất bản một cách tràn lan, khiến nhiều phụ huynh gặp khó khi lựa chọn mua cho con em mình?
Sách tham khảo là một loại tài liệu mở rộng kiến thức, củng cố kỹ năng cho học sinh. Nó cũng là tài liệu tham khảo cho giáo viên. Tuy nhiên, chất lượng sách như thế nào và việc quản lý những đầu sách này ra sao mới là vấn đề đáng được quan tâm.
Số lượng sách tham khảo trên thị trường hiện nay quá lớn, trong khi nếu xét về chất lượng thì nhiều sách do những tác giả không có kinh nghiệm viết. Thậm chí, có những người chỉ làm một động tác là nhái lại nội dung bài tập trong sách giáo khoa.
Phụ huynh, học sinh mua phải những cuốn sách tham khảo dạng này thì vừa không được chính xác như sách giáo khoa mà còn phí tiền. Chưa kể làm sách nhái là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.Việc tràn lan sách tham khảo như hiện nay đang gây ra một sự lãng phí về tiền bạc và thì giờ.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết |
Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nội dung của hệ thống sách tham khảo hiện nay?
Không thể phủ nhận có những quyển sách tham khảo nội dung rất tốt, nhưng nhìn chung số còn lại vẫn có hiện tượng xào xáo, kiểu “bình mới rượu cũ”.
Nhiều cuốn sách cung cấp kiến thức sai hoặc quá cao so với chương trình. Với chất lượng sách tham khảo như thế, nếu phụ huynh mua về thì chỉ càng làm con em mình học hành nặng nề thêm, lại tốn tiền thêm.
Chúng ta rất thiếu những cuốn sách tham khảo có nội dung sinh động, thú vị cho học sinh đọc thêm. Phần lớn sách tham khảo là sách bài tập. Học sinh đã làm bài tập trong sách giáo khoa, về nhà lại phải “cắm đầu cắm cổ” làm thêm bài tập ở sách tham khảo nữa thì chịu sao nổi?
Một điểm đáng nói nữa, là các nhà xuất bản làm sách tham khảo, hoạt động tiếp thị rất “ghê”. Vì vậy, nhiều thầy cô còn bắt học sinh của mình mua những cuốn sách như thế để được hưởng phần “hoa hồng”.
Theo quan điểm của tôi, sách tham khảo trước khi đưa vào nhà trường cần được một hội đồng duyệt sách duyệt qua thì mới đảm bảo nội dung chính xác và có lợi cho học sinh.
Qua khảo sát, không ít sách tham khảo còn mắc lỗi chính tả, hay có những bài tập thì quá khó, đánh đố học sinh? Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Có trường hợp mắc lỗi là do tác giả thiếu kiến thức, kinh nghiệm nhưng vẫn làm liều. Có trường hợp mắc lỗi là do tác giả không chịu đọc duyệt lại “bông” cuối cùng trước khi in. Có trường hợp do nhà xuất bản làm “ẩu”, nhất là những sai sót cơ bản về chính tả, ngữ pháp.
Tôi biết một tác giả sách tham khảo. Chị ấy là người có kinh nghiệm, đặc biệt là không nói ngọng, viết sai chính tả bao giờ, nhưng sách của chị ấy được nhà xuất bản in ra thì “cái lều” lại biến thành “cái nều”.
Đó là vì sách được in đi in lại nhiều năm, có thể đến lần in cuối, bản phim đã mờ, hỏng, phải chế bản lại nhưng biên tập viên không phát hiện ra lỗi của người chế bản, nhà xuất bản chủ quan không đưa tác giả xem lại, đã đưa một thứ phẩm đến cho học sinh.
Biên tập và xuất bản như thế thì quá vô trách nhiệm, ai còn dám cộng tác với họ hoặc mua sách của họ nữa. Kể cả trường hợp tác giả viết sai, mà nhà xuất bản có những biên tập viên “cứng” tay nghề thì họ vẫn sẽ nhận ra và yêu cầu tác giả sửa ngay.
Ông có thể chia sẻ những cách giúp phụ huynh, học sinh có thể dễ dàng hơn trong việc chọn lựa những cuốn sách có nội dung tốt trong vô vàn những đầu sách tham khảo hiện nay?
Trong việc này, theo tôi trước hết phụ huynh học sinh cần phải hỏi ý kiến tư vấn của các thầy cô giáo để nhận được lời khuyên đúng đắn. Mà phải là những thầy cô giáo mà mình tin cậy nữa, chứ không lại hỏi đúng những thầy cô giáo là người tiếp thị sách thì quá nguy hiểm.
Phải hỏi những người có hiểu biết, có kinh nghiệm để có thể chỉ cho mình nên mua loại sách nào, và mua ở mức nào. Ngoài ra, cũng phải chú ý xem tên tác giả, tên nhà xuất bản chứ không phải sách của ai, của nhà xuất bản nào cũng mua.
Những nhà xuất bản chuyên về giáo dục hơn thì người ta biên tập cẩn thận hơn. Đối với những nhà xuất bản làm “tay trái”, có thể vì mục đích kinh doanh thôi, thì cần cẩn thận hơn. Theo tôi, nếu chọn sách của Nhà xuất bàn Giáo dục chắc sẽ tốt hơn bởi họ có chuyên môn và nắm được chương trình.
Về tác giả thì cần tìm hiểu xem họ là ai, có đáng tin cậy về mặt chuyên môn không. Nên lựa chọn những người có tên tuổi trong giới chuyên môn hay là những người từng viết sách giáo khoa thì họ sẽ nắm được chương trình học hơn.
Tuy nhiên, những điều này cũng chỉ như “tiêu chuẩn vòng sơ tuyển” thôi. Để đánh giá chính xác, phụ huynh cũng cần đọc thử qua cuốn sách xem người ta viết nội dung như thế nào. Kể cả, tác giả là người từng viết sách giáo khoa nhưng nếu thấy không tốt, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể không chọn.
Theo ông, để mua được sách tốt, chỉ dựa vào sự thông minh của khách hàng liệu đã đủ?
Kinh nghiệm tôi vừa nêu là để giúp phụ huynh khi mà cơ quan chức năng chưa có sự can thiệp như hiện nay. Khách hàng thông minh nhưng cũng cần có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước.
Bộ GDĐT cần có Hội đồng thẩm định sách, khi sách đã qua thẩm định thì phụ huynh, học sinh có thể yên tâm hơn khi mua. Có làm được như thế mới giúp được cho phụ huynh, học sinh khỏi phải dùng sách nhái, sách chất lượng kém.
Hẳn sẽ có người băn khoăn: Sách tham khảo nhiều như lá rừng thì lấy tiền đâu, thì giờ đâu để thẩm định? Dĩ nhiên, ngân sách nhà nước không thể chi cho việc này. Chúng ta không buộc tất cả các quyển sách tham khảo đều phải được thẩm định. Nhưng sự phê duyệt của Hội đồng thẩm định để sách đến với học sinh, với nhà trường.
Nhà xuất bản nào muốn thẩm định sách tham khảo của mình thì phải nộp phí thẩm định. Sách đảm bảo chất lượng sẽ được xác nhận: “Sách đã được Hội đồng thẩm định sách của Bộ GD-ĐT duyệt làm sách tham khảo”; sách chưa đảm bảo chất lượng thì không có sự xác nhận đó.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!