Rượu “lẩu siêu”, báu vật của người Thái ở Đăk Lăk
Đối với đồng bào người Thái ở đây, việc uống rượu là nhu cầu hàng ngày cũng như một thói quen không thể thiếu trong sinh hoạt, đời sống, lễ hội, cưới xin, lễ Tết... Bất cứ khi nào khách đến nhà, gia chủ phải có mâm cơm, ché rượu.
Gia đình nào nghèo thì mâm cơm đơn giản chỉ cần có canh rau là được, nhưng nhất thiết phải có những ché rượu để “ấm lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
![]() |
Ông Lô Quốc Hợi tự hào bên những ché rượu lẩu siêu. |
Rượu “lẩu siêu” là loại rượu quý hiếm, đặc biệt bởi nguyên liệu và cách thức chế biến vô cùng công phu nên đồng bào Thái rất quý trọng và xem loại rượu này như báu vật gia truyền. Nhưng hiện nay, chỉ còn một vài hộ gia đình còn lưu giữ và có thể chế biến hoàn chỉnh loại rượu này.
Ông Lô Quốc Hợi (SN 1952, ngụ tại Buôn Thái, xã Ea Kuêh) là một trong những người vẫn còn lưu giữ được nghề nấu rượu lẩu siêu cho hay, để nấu được một ché rượu lẩu siêu thì người nấu phải tốn rất nhiều công sức và thời gian.
Để làm nên một ché rượu lẩu siêu phải có gạo hoặc ngô, khoai, sắn, y dĩ, chuối, dứa, củ mài và một số lại cây, củ, quả khác cùng men rượu. Điều đặc biệt để làm nên một ché rượu lẩu siêu ngon là nằm ở men rượu.
Men rượu đa phần được làm từ gạo nếp. Sau khi chọn lựa gạo kĩ càng, gạo sẽ được nấu chín lên thành xôi rồi mang đi ủ chung với lá mít, hương nhu, riềng, vỏ cây quế, cây mít non... Trải qua một tháng ủ khô (không bỏ thêm nước hoặc bất kì nguyên liệu nào nữa) gạo nếp sẽ ra nước tinh.
“Khi các nguyên liệu đến độ “chín mùi” thì sẽ được mang đi chưng cách thủy. Sau vài giờ đồng hồ rượu sẽ được ra lò với mùi thơm dịu nhẹ và màu tím than của những ché rượu”, ông Hợi cho biết.
Những ché rượu lẩu siêu ngon, với màu sắc và mùi vị đúng chuẩn phải tuân thủ đúng cách ủ khô. Đó là, không cho thêm bất kì một loại nguyên liệu nào khác. Bình thường những ché rượu lẩu siêu được ủ từ một tháng đến lâu hơn, tùy theo khẩu vị của gia chủ. Nguyên liệu ủ càng lâu thì thành phẩm làm ra sẽ càng càng già, uống càng bốc và ngon.
Cũng theo ông Hợi, mỗi lần chưng cất rượu gia đình ông cũng chỉ cất khoảng 0.5 lít.
![]() |
Những ché rượu “lẩu siêu” được ủ và cất một cách tỉ mỹ mới có thể thành phẩm. |
“Nếu ai tham mà cất nhiều rượu một lần thì rượu sẽ không đậm đà và đảm bảo mùi vị riêng biệt. Những nhà ở đây đều cất tối đa 1 lít rượu/2 kg nguyên liệu để giữ đúng mùi vị, chất lượng thương hiệu “rượu lẩu siêu”, ông Hợi chia sẻ.
Ông Hợi còn cho hay, chính vì rượu lẩu siêu được làm nguyên chất 100% từ tự nhiên nên rượu rất nặng, có thể dùng làm nguyên liệu để đốt cháy. Tuy nhiên, loại rượu này có mùi thơm dịu, khi uống vào có vị ngọt pha một chút đắng, rượu nồng ấm, dễ uống, không bị đau đầu như những loại rượu pha cồn khác.
Thông qua ché rượu lẩu siêu, đồng bào người Thái thêm gần gũi hơn khi có chút hơi men trong người. Những bài hát, điệu múa truyền thống được người dân biểu diễn như cuốn hút mọi người hòa vào cùng, làm cho tình cảm gia đình, anh em bạn bè, đặc biệt là tình cảm đôi lứa thêm khăng khít hơn.
Bên cạnh niềm vui vẫn còn giữ được nghề truyền từ thời cha ông, ông Lô Quốc Hợi vẫn còn nhiều trăn trở khi đồng bào người Thái còn rất ít người có thể nấu và lưu giữ được cách nấu rượu truyền thống này.
“Cả làng chỉ còn vài người có thể nấu được loại rượu này, nhiều lần tôi truyền lại cho con cháu để giữu gìn nghề truyền thống nhưng rất khó. Bởi loại rượu và cách thức nấu đặc biệt này yêu cầu người nấu phải tỉ mỹ, cẩn thận và đong đếm nguyên liệu một cách chính xác”, ông Hợi chia sẻ.