Các tỷ phú giàu nhất loạt bốc hơi trăm, nghìn tỷ, rau, nấm 'bẩn' vào siêu thị
Hệ thống các cửa hàng Bách hoá Xanh của Thế giới Di động bị phát hiện bán nấm Trung Quốc đội lốt hàng Việt gây hoang mang cho người tiêu dùng. Kết thúc tuần, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động đóng cửa ở mức giá 69.400 đồng/cp, giảm 3,6% so với tuần trước. Với mức giá này, giá trị cổ phiếu MWG do Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài nắm giữ giảm 222 tỷ đồng sau một tuần giao dịch. Ông Tài hiện đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 86,64 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng giá trị 5.943 tỷ đồng, đứng thứ 24 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Đóng cửa phiên cuối tuần qua, MSN lùi về mức giá 108.600 đồng/cp, giảm 3,72% sau 4 phiên giảm và 1 phiên tăng giá sau một tuần giao dịch.
Với mức giảm này, giá trị cổ phiếu MSN của ông chủ Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang bị “thổi bay” 1.288 tỷ đồng, còn 33.324 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Masan hiện chỉ trực tiếp nắm giữ 18 cổ phần tại doanh nghiệp. Tuy nhiên vị tỷ phú này gián tiếp sở hữu 301 triệu cổ phiếu MSN thông qua hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Masan và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương.
Sau thông tin rau bẩn được tuồn vào hệ thống Winmart, đại diện Tập đoàn Masan cho hay đã ngay lập tức ngừng nhập và loại toàn bộ hàng hoá của nhà cung cấp bị nêu tên khỏi quầy kệ. Doanh nghiệp hiện làm việc với đơn vị này và xác minh độc lập để làm rõ những thông tin được nêu trong bài viết.
Cùng với ông Quang, tỷ phú Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank, đồng thời là cổ đông lớn tại Masan Group) cũng chịu thiệt hại nặng nề trong tuần qua khi giá cổ phiếu MSN sụt giảm.
Với lượng cổ phiếu MSN nắm giữ tương đương với ông Quang, giá trị tài sản của ông Hồ Hùng Anh tại MSN cũng sụt giảm 1.263 tỷ đồng, còn 32.678 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc cổ phiếu TCB của Techcombank mất giá 5% trong tuần vừa qua cũng khiến cho tài sản của hai đại gia này tại TCB giảm thêm hàng chục tỷ đồng.
Tính chung trong tuần vừa qua, giá trị tài sản của ông Hồ Hùng Anh tại TCB và MSN giảm 1.344 tỷ đồng còn 34.022 tỷ đồng, đứng thứ ba trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang hiện đứng thứ tư trong danh sách này với khối tài sản trị giá 33.645 tỷ đồng, giảm 1.305 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Không chỉ bộ đôi tỷ phú nói trên, tuần vừa qua chứng kiến một loạt các tỷ phú trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán ghi nhận tài sản suy giảm mạnh.
Đầu tiên phải kể đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC). Giá cổ phiếu VIC dù chỉ giảm nhẹ 0,1% trong tuần vừa qua cũng khiến tài sản của người giàu nhất sàn chứng khoán giảm 215 tỷ đồng, còn 134.960 tỷ đồng.
Bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) là người đứng thứ 9 trong Top 10 cũng ghi nhận mức sụt giảm nhẹ 17 tỷ đồng với giá trị tài sản đạt 10.638 tỷ đồng.
Trong khi đó, người giàu thứ hai trong danh sách này hiện đang là Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát, tỷ phú Trần Đình Long nắm giữ khối tài sản trị giá 34.420 tỷ đồng. Sau thời gian sụt giảm về giá, cổ phiếu HPG đã hồi phục trở lại và đưa ông Long trở lại vị trí thứ hai quen thuộc. Tuy nhiên tuần vừa qua giá cổ phiếu HPG cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi thị giá đã giảm 1,3%. Qua đó, giá trị tài sản của ông Trần Đình Long giảm theo 455 tỷ đồng.
Vợ ông Trần Đình Long, bà Vũ Thị Hiền hiện đang đứng thứ 10 trong danh sách những người giàu nhất với khối tài sản 9.683 tỷ đồng, giảm 128 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Sunshine Group, Phó TGĐ KienLongBank, hiện đứng vị trí thứ năm người giàu nhất sàn chứng khoán. Loạt cổ phiếu SSH, SCG, KLB do ông Tuấn sở hữu đều giảm giá trong tuần qua, trong khi chỉ duy nhất KSF tăng giá 0,1% khiến tổng tài sản của ông Tuấn tại các mã này sụt giảm 670 tỷ đồng. Hiện giá trị tài sản của Chủ tịch Sunshine Group còn 33.547 tỷ đồng.
Tiếp theo là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank. Đóng cửa tuần, cổ phiếu VJC và HDB lần lượt giảm 2,5% và 2,8% khiến giá trị tài sản của bà Thảo giảm theo 750 tỷ đồng, còn 28.900 tỷ đồng.
Các vị trí tiếp theo lần lượt gồm ông Nguyễn Văn Đạt (thứ bảy), Chủ tịch PDR, và ông Bùi Thành Nhơn (thứ tám), nhà sáng lập NVL. Cả hai mã cổ phiếu này đều giảm giá trong tuần qua khiến tài sản của hai vị đại gia này lần lượt giảm 900 tỷ đồng còn 16.873 tỷ đồng và giảm 322 tỷ đồng còn 14.322 tỷ đồng.
Trong tuần vừa qua, việc FED tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp đã có tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trên toàn cầu. Tại Việt Nam, sau quyết định tăng lãi suất của FED, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1%. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng phản ứng tiêu cực trong tuần qua với tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp. Rất may là lực cầu bắt đáy đã xuất hiện quanh ngưỡng tâm lý 1.200 điểm vẫn là khá tốt đã hãm bớt được đà giảm. Thanh khoản trong tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước đó và tiếp tục dưới mức trung bình 20 tuần gần nhất.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 30,75 điểm (-2,5%) xuống 1.203,28 điểm, HNX-Index giảm 8,44 điểm (-3,1%) xuống 264,44 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 6,3% so với tuần trước đó xuống 60.535 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch xấp xỉ tuần trước với 2.406 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 10,5% so với tuần trước đó xuống 6.579 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 5,5% xuống 317 triệu cổ phiếu.
Với mức giảm điểm trên cả hai sàn trong tuần qua thì toàn bộ các nhóm ngành đều sụt giảm.
Nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tiêu cực nhất trong tuần qua với mức giảm 4,1% giá trị vốn hóa, nguyên nhân chủ yếu có thể đến từ việc giá dầu thế giới tiếp tục sụt giảm, có thể kể đến các mã tiêu biểu như PLX (-4,9%), PVD (-2,6%), BSR (-3%), PVS (-1,9%)...
Tiếp theo là nhóm trụ cột của thị trường là ngân hàng cũng giảm khá mạnh với 3,9% giá trị vốn hóa, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn sự điều chỉnh trên thị trường. Có thể kể đến các cổ phiếu như VCB (-4,1%), CTG (-4%), BID (-2,5%), TCB (-4,9%), VPB (-5,4%), MBB (-3,4%), ACB (-2,2%), SHB (-3,6%)...
Cổ phiếu nguyên vật liệu cũng giảm khá mạnh với 3% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự sụt giảm của ngành con hóa chất với DGC (-3,6%), DCM (-0,9%), DPM (-4,2%), GVR (-4,9%), PHR (-4,3%)...
Các ngành còn lại đều giảm tương đối như tài chính (-2,3%), công nghiệp (-1,6%), dược phẩm và y tế (-1%), hàng tiêu dùng (-0,8%), công nghệ thông tin (-0,5%)...
Hiền Anh