Rất khó khăn để hoàn thành mục tiêu chiến lược biển trong năm 2020
Trả lời phỏng vấn báo chí về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, TS. Hoàng Việt, chuyên gia Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có những nhận định khá thẳng thắn.
![]() |
Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế biển. (Ảnh minh hoạ) |
Chiến lược biển Việt Nam xác định ba mục tiêu chính: phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
TS. Hoàng Việt cho biết, việc phát triển kinh tế biển và xây dựng cơ sử hạ tầng, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến còn nhiều hạn chế, đồng thời những tranh chấp trên biển diễn ra liên miên khiến việc thực hiện chiến lược 10 năm biển đảo đến năm 2020 của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, khó có thể hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn. Ông nhận định, theo tốc độ hiện tại thì đến năm 2020, Việt Nam chỉ có thể hoàn thành tối đa 50% mục tiêu đã đặt ra.
Theo ông, hiện nay tỷ trọng đóng góp cho GDP của các hoạt động kinh tế biển đang có chiều hướng giảm.
Muốn trở thành quốc gia mạnh về biển, chúng ta cần chú trọng phát triển kinh tế biển. Mặc dù thời điểm kết thúc chiến lược 10 năm về biển và hải đảo đã gần kề, nhưng việc phát triển kinh tế biển còn nhiều hạn chế. Theo dự định đến năm 2020 GDP từ các hoạt động kinh tế trên biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP cả nước, tuy nhiên, theo thống kê đến năm 2013, tỷ trọng đóng góp cho GDP cả nước từ hoạt động kinh tế biển mới chỉ đạt 18% và không thay đổi nhiều trong những năm gần đây.
Đáng lưu ý là tỷ trọng này có chiều hướng giảm, từ 22% (năm 2005) xuống còn 18% (năm 2013) do có sự sụt giảm trong đó có đóng góp của ngành dầu khí và ngành hàng hải. Theo đà này đến hết năm 2020, để đạt được con số 53-55% theo kế hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản đề ra là rất khó, gần như không tưởng.
Cũng theo TS Hoàng Việt, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh, được thực hiện tương đối tốt. Trong những năm gần đây, nhiều tàu thuyền của Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Anh,… đều cập cảng nước ta, điều này cho thấy việc đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển của nước ta có những bước tiến quan trọng.
Tuy nhiên, việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển tôi đánh giá là chưa làm tốt. Một số nguyên nhân có thể kể ra là việc khai thác quá mức tài nguyên biển, sử dụng các phương tiện gây hại trong quá trình đánh bắt trên biển, chưa có các vùng quy hoạch trong nuôi trồng, cùng những hệ lụy từ việc phát triển du lịch biển, như việc nhiều cơ quan, khách sạn, nhà hàng xả trực tiếp nước thải ra biển khiến khu vực bãi biển phía Bắc vịnh Nha Trang, Khánh Hòa bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối những ngày gần đây. Những hành vi như vậy gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng đến các tiềm năng phát triển về sau.
Một ví dụ khác là thời gian gần đây nhiều địa phương đã hăng hái quá mức trong việc nhận chìm vật chất. Việc làm này có tác động thay đổi toàn bộ môi trường biển, ảnh hưởng đến sự phát triển của các sinh vật biển trong khu vực. Hoạt động nhận chìm đã được luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam cho phép, tuy nhiên, nên có giới hạn và đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ.
Trong nỗ lực phát triển kinh tế biển, Việt Nam không ngừng tìm kiếm sự hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ từ bên ngoài. Thời gian qua, chúng ta đã đạt được những thỏa thuận quốc tế song phương với các nước có thế mạnh về biển, đồng thời chia sẻ những thông tin tình báo trên biển với nhiều quốc gia. Có thể nhận thấy Việt Nam có những bước tiến nhất định trong hợp tác quốc tế trên biển, tuy nhiên, quan hệ quốc tế chưa phát triển mạnh, đặc biệt, cơ chế hợp tác đa phương chúng ta vẫn chưa có.
Chiến lược 10 năm biển đảo mà Đảng và Nhà nước đặt ra về mặt mục tiêu rất tốt, tuy nhiên chúng ta gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nó. Từ năm 2007 sau khi ban hành chiến lược về biển, đến thời điểm hiện tại, nước ta vẫn chưa thành lập được một Ban Điều phối, chịu trách nhiệm quản lý thực hiện các mục tiêu chỉ định. Việc quản lý theo ngành và lãnh thổ hiện còn gặp nhiều lúng túng, chồng chéo nhau. Vấn đề nữa là các mục tiêu được đưa ra còn chung chung, thiếu các phương án cụ thể.