Rách mắt, nhìn mờ, đau nhức, phải mổ cấp cứu chỉ vì thứ rất nhỏ này bắn vào
Khoa Mắt Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí thường xuyên tiếp nhận các trường hợp tai nạn lao động như vật cứng đập vào mắt, vật sắc nhọn bắn vào mắt… Các tai nạn này có thể gây chấn thương đụng dập nhãn cầu hay vết thương xuyên nhãn cầu và có thể có cả dị vật nội nhãn.
Gần đây nhất, khoa đã tiếp nhận một trường hợp nhập viện do trong lúc làm việc tại nhà bị mạt sắt bắn vào mắt phải. Sau tai nạn, mắt người đàn ông này cộm, nhức, đặc biệt nhìn mờ đi. Bệnh nhân rửa bằng nước muối và đến viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ thăm khám và xác định bệnh nhân có vết rách giác mạc mắt phải sâu, kích thước 3mm, cùng nhiều dị vật giác mạc. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật làm sạch, lấy dị vật và khâu vết rách giác mạc.
Bs.Nguyễn Thị Thu Thủy, Bệnh viện Mắt Sài Gòn cho biết, giác mạc là một bộ phận trong suốt ngoài cùng của mắt có nhiệm vụ bảo vệ các thành phần bên trong của nhãn cầu, cùng với thủy tinh thể và đồng tử hội tụ ánh sáng giúp mắt nhìn thấy được các vật.
Giác mạc mỏng và nằm ngoài cùng nên rất dễ bị tổn thương. Rách giác mạc hay còn gọi là trầy xước biểu mô giác mô, do dị vật làm tổn thương lớp giác mạc của mắt khiến thị lực bị giảm sút, đau nhức khó chịu. Dị vật ở đây rất đa dạng có thể là những vật có kích thước nhỏ như bụi, cát, đến những vật lớn hơn như thủy tinh, côn trùng,…
Giác mạc có thể bị tổn thương ở mọi lứa tuổi, trong tất cả các hoạt động hằng ngày như vận động ngoài trời, chơi thể thao hay lúc làm việc.
BS Thuỷ cũng chỉ ra nguyên nhân thường gặp dẫn đến rách giác mạc do: Móng tay, bút hay cọ trang điểm, tập giấy quẹt vào mắt; Dụi mắt quá mạnh; Dính phải bụi bẩn, cát, mùn cưa, tro hoặc một số vật lạ vào mắt; Hóa chất hoặc các chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày bay vào mắt; Mang kính áp tròng trong một thời gian lâu hoặc kính áp tròng bẩn; Không mang kính bảo hộ khi tham gia thể thao hoặc các hoạt động có nguy cơ cao; Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá…
Khi dị vật bám vào giác mạc, người bệnh thường cảm thấy cộm bên trong mắt, khó mở mắt. Mắt sung huyết trở nên đỏ và đau, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ tạm thời.
Khi dị vật đã gây rách giác mạc, người bệnh phải đối mặt với những triệu chứng nặng nề hơn như: đỏ mắt nhiều hơn kèm chảy nước mắt, đau rát ở mắt.
Theo bác sĩ Khoa Mắt Bệnh viện Việt Nam- Thuỵ Điển Uông Bí, chấn thương rách giác mạc là một trong những tổn thương rất hay gặp của mắt nếu không được xử trí kịp thời, đúng cách sẽ ảnh hưởng tới chức năng thị giác sau này.
Vì vậy khi bị chấn thương mắt cần xử trí ban đầu đúng cách để tránh làm tổn thương mắt nghiêm trọng hơn.
Khi bị dị vật ở kết giác mạc thì tránh dụi mắt vì có thể làm dị vật ghim sâu hơn hay làm trầy xước giác mạc. Hãy chớp mắt vào ly nước sạch giúp dị vật trôi ra ngoài hoặc nhỏ mắt bằng nước nhỏ mắt ngửa đầu nghiêng mắt về bên bị chấn thương nhỏ nước từ trong ra ngoài, sau đó đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám xác định các tổn thương điều trị kịp thời.
Với các trường hợp bỏng mắt thì dù do bất cứ nguyên nhân gì đều phải rửa mắt ngay tại chỗ bằng các loại nước sạch có sẵn, rửa càng nhiều càng tốt. Trừ trường hợp bỏng vôi sống phải gắp vôi ra trước khi tiến hành rửa mắt. Sau đó băng mắt và chuyển đến Bệnh viện chuyên khoa mắt không được chậm trễ vì bất cứ lý do gì.
Các trường hợp có vết thương ở mắt kèm dịch nhầy nhớt, lẫn máu thì băng mắt và chuyển đến cơ sở có chuyên khoa mắt gần nhất, không rửa mắt bằng nước và tuyệt đối không được tự ý lấy bỏ những vật lạ cắm trong mắt ra.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, chấn thương mắt có thể gây mù loà, ảnh hưởng thẩm mỹ ở mắt. Điều trị chấn thương mắt rất phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian, nhưng kết quả thường không như mong đợi.
Vì vậy để phòng tránh, hạn chế chấn thương mắt chúng ta cần có bảo hộ phù hợp bảo vệ đúng cách và biết những thông tin cần thiết về xử trí kịp thời khi chấn thương mắt xảy ra.
N. Huyền