Ra Tết mua vàng, đến nay lãi bao nhiêu?
Trong bối cảnh vĩ mô thế giới có nhiều bất ổn, giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đã có những biến động mạnh. Những ai đã mua vàng dịp trước và sau Tết đang có lãi.
Diễn biến giá vàng trong nước
Theo dữ liệu chúng tôi cập nhật, khai xuân ngày 07/02, giá vàng SJC kết phiên ở mức 63,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 62,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Kết thúc phiên giao dịch ngày 02/03, giá vàng SJC giao dịch ở mức mua vào 66,5 triệu đồng/lượng, bán ra 67,3 triệu đồng/lượng.
Ngày 09/02 là thời điểm mà giá vàng thấp nhất trong tháng, với giá SJC bán ra là 62,1 triệu đồng/lượng, mua vào là 61,1 triệu đồng/lượng.
Ngày 24/02 là thời điểm mà giá vàng cao nhất trong tháng 2 với mức giá 66,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và mua vào ở mức giá 65 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đỉnh này sau đó đã bị phá vỡ vào phiên ngày hôm qua 01/03
Diễn biến giá vàng SJC, nguồn: PNJ |
Như vậy, sau gần 1 tháng nắm giữ vàng SJC, nhà đầu tư có thể thu về 3,1 triệu đồng/lượng, tương đương với mức lãi hơn 4,8%.
Vàng thương hiệu "phi SJC" trong khi đó biến động ít hơn và nhà đầu tư khó thu lời hơn. Ví dụ vàng PNJ khai xuân với mức giá 54,7 triệu/lượng ở chiều bán ra và 53,9 triệu/lượng ở chiều mua vào. Kết thúc phiên ngày 02/03, giá vàng này dao động ở mức bán ra 55,6 triệu đồng/lượng và mua vào ở mức 54,8 triệu đồng/lượng.
Nếu nắm giữ vàng PNJ từ 07/02 đến nay, nhà đầu tư có thể lãi 100 nghìn đồng/lượng, tương đương lãi 0,18%
Ngày 24/02 là ngày mà giá vàng này cao nhất trong tháng 2, với giá bán ra là 55,7 triệu đồng/lượng và mua vào ở mức 54,9 triệu đồng/lượng. Nếu chốt lời ở mức này, nhà đầu tư có thể lãi 200 nghìn đồng/lượng, tương đương mức lãi 0,37%
11/02 là ngày mà giá vàng này có giá thấp nhất trong tháng 2, giá bán ra là 53,6 triệu đồng/lượng, mua vào là 52,85 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng PNJ, Nguồn: PNJ |
Diễn biến giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới tổng quan vẫn trong xu hướng tăng từ sau Tết đến nay. Chốt phiên giao dịch 07/02, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 1.820 USD/Ounce. Cuối tháng 2, giá vàng dừng ở mốc 1.908 USD/Ounce. Như vậy giá vàng đã tăng khoảng 106 USD/Ounce chỉ trong 1 tháng, tương đương với mức tăng khoảng 5,8%.
Đặc biệt giá vàng có biến động mạnh vào ngày 24/02 khi Nga tuyên bố đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại Ukraine. Cụ thể, giá vàng cao nhất đã lên đến mức 1.974 USD/Ounce trong cùng ngày.
Về triển vọng giá vàng, ông P.V. Tuấn, một "dealer" vàng tại một ngân hàng cho biết, thị trường vàng sau Tết một phần chạy theo những diễn biến của cuộc xung đột Nga và Ukraine, phần khác lại do diễn biến của lạm phát. Về lo ngại của thị trường trước việc FED có thể tăng lãi suất, theo ông, "Fed tăng lãi suất là điều có thể dự báo trước nên sẽ không tác động nhiều". Vàng trong nước thì phần lớn phụ thuộc vào cung cầu tại các thời điểm khác nhau, chẳng hạn như dịp vía Thần tài cầu mạnh trong khi cung không tăng làm cho giá vàng đắt đỏ hơn. Thời gian tới, vàng trong nước sẽ bám chặt hơn vàng quốc tế.
Giá vàng lập đỉnh dễ rơi đáy, cảnh báo cẩn trọng
Giới chuyên gia dự báo, giá vàng thế giới có thể tăng lên vượt mức kỷ lục trên 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử thị trường vàng hồi tháng 8/2020 thì nhà đầu tư nên cẩn trọng với "sóng" vàng...
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị