Quyết định giữ lại con của thai phụ bị lóc toàn bộ da đầu khiến mọi người phải cúi đầu thán phục
Người mẹ ấy quyết định chấp nhận sống cuộc đời còn lại với cái đầu không một cọng tóc, xương sọ có thể bị nhiễm trùng, bị viêm và rất nhiều biến chứng khác, miễn sao con của chị có cơ hội được chào đời...
Quyết định khó khăn
Ngày 31/1, chị Lê Thị H. 30 tuổi (trú tại Ba Vì, Hà Nội) trong lúc làm việc với băng truyền tải cát, sỏi do sơ ý bị tai nạn lao động, toàn bộ phần da đầu của nạn nhân đã bị lột rời hoàn toàn khỏi hộp sọ.
Ngay lập tức, phần da và tóc đã được người thân thu gom và bảo quản trong thùng nước đá, nạn nhân trong trạng thái hoảng loạn, kích thích vật vã, máu từ vết thương vùng đầu, mặt, cổ chảy nhiều…
Sau khi sơ cứu tại hiện trường, nạn nhân được đưa về trung tâm cấp cứu 115 của Bệnh viện Hùng Vương trong trạng thái sốc, chấn thương, đặc biệt nguy kịch, để xử trí tiếp. Kết quả cận lâm sàng sơ bộ đánh giá ngoài vết thương vùng đầu, mặt, cổ, ở các cơ quan khác cơ bản không có tổn thương.
Bác sĩ làm sạch phần da đầu bị lóc ra. |
Tuy nhiên cũng qua thăm khám và khai thác tiền sử, các bác sỹ xác định nạn nhân đang mang thai ở tuần thứ 25. Song song với kíp xử trí làm sạch, cầm máu vết thương, truyền máu, giảm đau, chống sốc, hồi sức tích cực… một kíp bác sỹ thuộc chuyên ngành chấn thương, chỉnh hình tập trung vào việc thu gom, cắt lọc, vệ sinh lại mảng da, tóc của nạn nhân, bởi lẽ tại hiện trường do thiếu kiến thức nên người thân của nạn nhân đã thu gom và bảo quản không đúng cách, nhận thấy đây là trường hợp chấn thương phức tạp nhưng mảng da bị lóc tách còn đủ điều kiện để tiến hành vi phẫu ghép trả lại cho nạn nhân.
Sau khi hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức, nhằm tận dụng thời gian vàng, bệnh nhân được khẩn trương vận chuyển đến khoa chấn thương chỉnh hình của BV Việt Đức Hà Nội, tại BV Việt Đức một kíp bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản TW cũng đã được mời sang để hội chẩn trực tiếp.
Tại đây sau khi có đủ các thông tin, khám lâm sàng, cận lâm sàng với các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, các bác sỹ kết luận: Đối với vết thương lóc da đầu bệnh nhân hoàn toàn đủ điều kiện để tiến hành vi phẫu, cấy chân tóc, ghép da tự thân.
Tuy nhiên nếu cuộc phẫu thuật thuận lợi cũng sẽ kéo dài từ 8 đến 10 giờ liên tục nhưng khoảng thời gian tiến hành phẫu thuật, gây mê hồi sức lâu như vậy sẽ là một thử thách và nguy cơ sẩy thai hoặc thai lưu trong trường hợp này gần như là tuyệt đối.
Như vậy lúc này bệnh nhân và người thân bắt buộc phải chọn một trong hai cách, hoặc là tiến hành vi phẫu, cấy ghép để vừa đảm bảo sức khỏe vừa đảm bảo thẩm mỹ vì sau cấy ghép, da và tóc có thể sẽ phát triển bình thường gần như trước nhưng như vậy bắt buộc chấp nhận phải mất đi đứa con đang mang trong bụng ở tháng thứ sáu hoặc chọn cách thứ hai.
Các bác sỹ sẽ cắt lọc, làm sạch vết thương, cấy ghép tối thiểu, phần da và tóc dù được thu gom, bảo quản và xử trí thì đầu đúng cách nhưng sẽ phải tiêu hủy, thời gian cuộc phẫu thuật này sẽ diễn ra trong khoảng 2 giờ, với cách này khả năng giữ được thai cao hơn nhưng người mẹ phải chấp nhận, toàn bộ hộp sọ từ nay về sau sẽ không thể … mọc được tóc nữa.
Trong buồng cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức thời gian như trôi chậm lại, không khí trở nên ngột ngạt.
Chị H đã chọn giữ lại con mình. |
Tất cả mọi ánh mắt đổ dồn vào người bệnh chờ đợi, mặc dù còn rất đau đớn, hoảng loạn nhưng cuối cùng chị đã đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn nhưng đã khiến toàn bộ những người có mặt đều phải cúi đầu thán phục.
Trồng lại da đầu như thế nào?
Theo BS Sùng Đức Long - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Bệnh viện Hùng Vương, tổn thương đứt rời toàn bộ da đầu là tổn thương hiếm gặp. Nguyên nhân chủ yếu của những tổn thương này thường do tai nạn lao động (phụ nữ tóc dài bị cuốn vào máy, mô tơ đang chạy giằng giật làm đứt rời da đầu)….Tổn thương này nếu không được phục hồi sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho bệnh nhân cả về mặt cấu trúc giải phẫu, chức năng cũng như vấn đề thẩm mỹ hay tâm lý.
Chẳng hạn, nếu mất da đầu thì mất đi cấu trúc 5 lớp đặc biệt của da đầu, xương sọ sẽ không được bảo vệ, mất tóc ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ hộp sọ và mất tính thẩm mỹ, mất tự tin khi giao tiếp xã hội.
Khi chưa có sự phát triển của vi phẫu thuật, da đầu đứt rời được đặt lại cơ thể dưới dạng mảnh ghép tự do. Da đầu được khâu lại hoặc lạng mỏng và đặt lại dưới dạng mảnh ghép da dầy hoặc ghép phức hợp. Đứt rời da đầu nếu không bị lộ xương, phần da đầu đứt rời có thể được lạng mỏng, đặt lại dưới dạng mảnh ghép da mỏng tự thân. Các phương pháp này mới chỉ đảm bảo xương sọ được che phủ nhưng nhưng tóc không mọc trở lại, bệnh nhân phải phẫu thuật nhiều lần, thời gian nằm viện lâu dài và chi phí phẫu thuật tốn kém.
Trồng lại da đầu đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu: phẫu thuật nối mảnh da đầu bị đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu. Phẫu thuật nối ghép da đầu gặp nhiều khó khăn do mạch máu có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 0,6-0,7 mm, nguy cơ tắc mạch sau nối khá cao nên đòi hỏi kỹ thuật cũng như phương tiện phẫu thuật. Bác sĩ sẽ thực hiện nối 1 động mạch và 2 tĩnh mạch dưới kính vi phẫu nối, sử dụng chỉ vi phẫu nhỏ nhất với kích cỡ 11/0. Da đầu nếu được trồng lại bằng kĩ thuật vi phẫu, phục hồi được cấu trúc 5 lớp đặc biệt, tóc sẽ mọc trở lại.
Như vậy hiện chưa có phương pháp tạo hình nào phục hồi hoàn toàn cấu trúc giải phẫu, chức năng cũng như tính thẩm mỹ của da đầu. Cách duy nhất là nối lại ngay mảng da đầu bị đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu. Nếu không được phẫu thuật vi phẫu bệnh nhân sẽ bị lộ toàn bộ xương sọ, có thể viêm xương nhiễm trùng xương, ảnh hưởng đến não…
Khánh Chi