F0 'ngắt kết nối', từ chối cung cấp thông tin bị xử lý như thế nào?
"Chặn số điện thoại, từ chối cung cấp thông tin”, việc làm như vậy của các F0, F1 có thể dẫn tới dịch bệnh bùng phát trầm trọng hơn, là hành vi vi phạm pháp luật, tuỳ vào tính chất mức độ sẽ áp dụng các chế tài khác nhau.
Có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19) không hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình truy vết. |
Theo ông Nguyễn Thế Trung, Phó tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19, đợt dịch này tình hình nghiêm trọng hơn nhưng bất ngờ là tỉ lệ người dân bất hợp tác, không cung cấp thông tin lại rất lớn.
Ông Trung cho biết: “Có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc Covid-19) không hợp tác với chúng tôi trong quá trình phỏng vấn, chưa kể các F1, F2. Con số này cao hơn nhiều các đợt bùng dịch trước đây. Thậm chí có người còn chủ động tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc những thành viên tổ truy vết... khiến cho công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn”.
Trước tình trạng này, sáng 1/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi nhân dân ở vùng có dịch, cụ thể ở khu vực TP Chí Linh, các huyện Kinh Môn và Nam Sách (Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh) hãy dùng tối đa các phương tiện, công cụ truyền thông xã hội để cung cấp cho Tổ thông tin, cho Bộ Y tế, cho Ban Chỉ đạo quốc gia thông tin truy vết về những người đã tiếp xúc với mình trong khoảng thời gian từ đầu năm 2021 đến nay.
Phó Thủ tướng kêu gọi những người xuất phát từ những khu vực trên, dù hiện nay đang ở đâu, cũng khai báo y tế và cung cấp thông tin truy vết. Hành động này không chỉ để bảo vệ bản thân, mà còn vì sự an bình của cả đất nước.
Nói về việc khai báo y tế, trao đổi với phóng viên Infonet, Luật sư Trần Xuân Hoá (Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) chia sẻ, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tình hình dịch Covid-19 trong nước hiện nay đang rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều cá nhân còn thiếu trách nhiệm trong việc khai báo y tế, trốn tránh cách ly... Thậm chí có cả những trường hợp F0 còn chặn số cuộc gọi từ Bộ Y tế, từ chối cung cấp thông tin. Tất cả hành vì này có thể dẫn tới dịch bệnh bùng phát trầm trọng hơn.
Theo Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Luật sư Trần Xuân Hoá khẳng định những hành vi này là vi phạm pháp luật. Đây chính là hành vi không khai báo, che giấu dịch Covid-19.
Về hình phạt đối với vi phạm nói trên, luật sư viện dẫn nội dung Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ, quy định các mức phạt cụ thể như sau:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm;
b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;
c) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”.
Ngoài ra, liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
b) Không báo cáo với Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.”
Với hành vi “Không khai báo y tế, khai báo gian dối làm lây truyền dịch bệnh cho người khác”, luật sư Trần Xuân Hoá thông tin thêm, người nào không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, các cá nhân F0 không chịu hợp tác cung cấp thông tin dịch bệnh bằng hành vi “chặn số điện thoại của Bộ Y tế, từ chối cung cấp thông tin” đều là hành vi cấu thành các tội như trên, tùy vào tính chất mức độ mà sẽ áp dụng các chế tài khác nhau.
“Xét về mặt đạo đức những cá nhân đó là rất thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng, lối sống ích kỷ, trong khi đó người dân cả nước đang chung tay cùng với Chính phủ ngày đêm tìm cách kiểm soát dịch bệnh, đẩy lùi dịch bệnh, không để lây lan ra cộng đồng và hướng tới môi trường sống trong sạch lành mạnh. Vậy nên mỗi cá nhân công dân Việt Nam hãy cùng đồng lòng, đồng sức, sống có trách nhiệm đối với cộng đồng”, luật sư Trần Xuân Hoá nêu quan điểm.
N. Huyền