Bác sĩ khuyến cáo những điều tối cần thiết khi về quê ăn Tết mùa dịch
TS Nam cho rằng thời điểm nay việc đi lại về quê ăn Tết của nhiều gia đình ở khu vực không có dịch vẫn diễn ra. Tuy nhiên nhiều người vẫn lo lắng vì vậy hành trang để mang theo ngày Tết trong mùa dịch cũng rất quan trọng.
Nguy cơ dịch ở cộng đồng
TS BS Nguyễn Trần Nam – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết gần đây anh liên tục nhận được các thông tin tư vấn - năm hết Tết đến có nên về quê không. BS Nam cho biết có người đã mua vé, mua quà chỉ chờ ngày về quê nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện tại thì việc đi lại trở nên khó khăn với mọi người.
Theo bác sĩ Nam dịch Covid-19 lần này chúng ta không “bắt” được bệnh mà từ Nhật Bản thông báo chúng ta mới tìm từ cộng đồng và tỷ lệ lây lan rất cao. Chủng này liên quan tới biến thể ở Anh. Các báo cáo tại Anh chủng này phát hiện ở Tây Nam nước Anh và lây rất nhanh ra các nước với hơn 70 quốc gia đã có chủng này. Tuy nhiên, có điểm lạc quan đó là chủng này không ghi nhận ca nặng nhưng không được chủ quan.
Với chủng này hoàn toàn có thể thấy trong cộng đồng có thể có người mang bệnh nhưng không phát hiện ra. Tỷ lệ lây lan cao thì chúng ta không được chủ quan.
Bác sĩ khuyến cáo những điều tối cần thiết khi về quê ăn Tết mùa dịch. (Ảnh minh họa) |
TS Nam nhấn mạnh mọi người cần tự bảo vệ chính mình. Với khẩu hiệu 5K và 2K đều vô cùng quan trọng. Nếu ở Hải Dương những trường hợp phát hiện không có triệu chứng nhưng họ có virus trong người và lây lan nhanh chóng. Nếu đeo khẩu trang thì bản thân người bệnh không lây cho người khác, không lây cho cộng đồng.
Khử khuẩn vô cùng quan trọng để tránh đưa siêu vi vào cơ thể mình cũng như đưa siêu vi vào các vật dụng khác.
Trong dịp này, mọi người cần hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách. Nếu trong dịp Tết không đeo khẩu trang thì nguy cơ lây bệnh rất cao.
Việc khai báo y tế cũng rất quan trọng. Mọi người đang ở trong môi trường bình thường nếu người đi về trong vùng dịch cần có khai báo y tế. Ví dụ ở TP.HCM ca bệnh ở quận 11 họ chủ động khai báo, giúp nhân viên y tế khoanh vùng, truy vết người tiếp xúc. Nếu giấu không khai báo thì chúng ta có thể tự cài các phần mềm bluzone, Ncovi để tự theo dõi hoạt động đi lại của mình để chính bản thân mình biết mình đã tiếp xúc với ai.
Hiện tại Bộ Y tế đã công bố 2 ổ dịch công khai và rộng rãi. Mọi người nên theo dõi thông tin để biết rõ các vùng nào có dịch. Vùng dịch cần hạn chế ra vào. Nhất là dịp Tết nhu cầu đi lại tăng lên nên hết sức cảnh giác. Tốt nhất là nên đeo khẩu trang kể cả người thân trong gia đình bởi vì ở đâu cũng có yếu tố nguy cơ lây bệnh.
Chuẩn bị hành trang về quê thế nào?
Mặc dù Tết năm trước có Covid-19 nhưng chưa bung ra và không cần lo lắng quá nhưng năm nay Tết người Việt đối đầu với Covid-19 nên tâm lý của mọi người rất căng thẳng. Nếu trường hợp có thể huỷ chuyển đi về quê, du lịch thì nên huỷ. Còn trường hợp sắp xếp đi được có thể đi các phương tiện cá nhân, phương tiện công cộng ít người. Cố gắng không đi xe khách quá số người quy định, khách bị dồn ép như vậy nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn.
TS Nam đưa ra lời khuyên cho các gia đình nếu đi về quê cần nhớ:
Cần chuẩn bị thuốc men, có thể cho đi khám sàng lọc trước để chuẩn bị thuốc cho con tốt hơn.
Những đồ đạc, thuốc men có thể mang theo đó là thuốc hạ sốt. Đây là thuốc luôn cần bỏ vào túi. Vì thế thuốc hạ sốt không cần toa nhưng cần dùng đúng liều 10 đến 15 mg/ kg cân nặng. Người lớn có thể dùng viêm 500mg để giảm sốt, đau đầu.
Nước uống bù điện giải cũng cần mang theo để tránh trường hợp trẻ đau bụng, mất nước. Mang nước bù điện giải cần pha đủ liều lượng.
Với gia đình ở miền Nam ra Bắc cần giữ ấm cho trẻ, có thể thoa dầu cho bé, thuốc chống côn trùng đốt, quần áo ấm, nước rửa tay nhanh và khẩu trang. Đi đâu cũng cần mang theo nước rửa tay và khẩu trang để hạn chế vấn đề lây bệnh.
Khánh Chi