Quy hoạch, sáp nhập cơ quan báo chí: Không phải phép cộng dồn
Việc triển khai Quyết định số 362-QĐ/TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, sẽ tác động tích cực và sâu sắc tới các đơn vị báo chí và đông đảo những người làm báo.
Làm sao đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, tạo nên những tòa soạn đáp ứng tiêu chí báo chí hiện đại? Những bước đi, bài học và cả những băn khoăn của “những người đi trước” sẽ là những kinh nghiệm quý cho các đơn vị báo chí đi sau tham khảo khi thực hiện.
Không phải phép cộng dồn
Với việc chính thức phê duyệt Đề án sắp xếp các cơ quan báo chí trực thuộc vào cuối tháng 3-2015, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trở thành đơn vị tiên phong “mạnh tay” giải quyết một vấn đề khá gai góc - hệ thống báo chí của bộ đông mà không hiệu quả. Ở thời điểm đó, Bộ này có chín cơ quan báo chí (không kể tạp chí của các hội), trong đó có hai tờ báo Đường sắt và Giao thông vận tải, với tổng số nhân sự khoảng 150 người.
Nhà báo Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập báo Giao thông nhớ lại: Ở thời điểm trước sắp xếp, lực lượng báo chí ngành khá đông đảo, nhưng không mạnh, phần lớn các báo và tạp chí đều được bao cấp, hoặc nhận được sự hỗ trợ trong công tác phát hành của cơ quan chủ quản, đời sống phóng viên, nhân viên nhiều tờ báo rất chật vật.
Để tạo được bước chuyển thật sự về bộ máy hoạt động, Bộ GTVT xác định việc thực hiện tái cơ cấu không phải là sáp nhập các cơ quan báo chí lại với nhau, mà ấn định từ ngày 1-4-2015, xin Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) dừng xuất bản toàn bộ những báo và tạp chí hoạt động kém hiệu quả. Đó là báo Đường sắt và các tạp chí Hàng không, Đăng kiểm, Hàng hải, Đường bộ và Đường thủy. Sau tái cơ cấu, Bộ chỉ còn hai cơ quan báo chí là báo Giao thông và Tạp chí GTVT.
Giải quyết bài toán nhân sự, nhà báo Nguyễn Bá Kiên cho biết, Bộ đã quyết định chuyển toàn bộ gần 30 nhân sự (ban biên tập, biên tập viên, phóng viên, họa sĩ…) các tờ trên về làm việc tại báo Giao thông. Các nhân sự không phải là những người làm công tác chuyên môn (hành chính, kế toán, quảng cáo…) thì cơ quan chủ quản thu xếp công việc và giải quyết. Vấn đề tài chính, nợ nần của các cơ quan báo chí dừng hoạt động do cơ quan chủ quản đứng ra giải quyết.
Sau khi thực hiện tái cơ cấu và đổi mới tờ báo, tính đến nay, báo Giao thông xuất bản 5 kỳ/tuần, tăng số trang lên 16. Ngoài ra, xuất bản thêm báo Giao thông cuối tuần và một tờ báo điện tử: baogiaothong.vn. Nhờ đổi mới nội dung, hình thức, lượng bạn đọc cả báo giấy và báo điện tử tăng mạnh, doanh thu quảng cáo tăng gấp hơn ba lần, tổng doanh thu của báo tăng hơn bốn lần. Báo có hơn 80 nhân sự với mức thu nhập tăng hơn hai lần. Qua từng năm, báo Giao thông đạt được những bước phát triển bền vững.
Đồng lòng kiện toàn đội ngũ
Ngay sau Bộ GTVT, Bộ TT&TT cũng thể hiện quyết tâm thực hiện quy hoạch lại mạng lưới báo chí bằng việc thông qua Đề án “Tổ chức lại các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông”. Theo đó, tiến hành hợp nhất báo điện tử VietNamNet và báo Bưu điện Việt Nam thành một cơ quan báo chí đa phương tiện mới mang tên VietNamNet, vào tháng 5-2018.
Một góc tòa soạn Infonet |
Nhà báo Nguyễn Bá, Phó Tổng Biên tập báo VietNamNet chia sẻ, trước khi hai tờ báo về chung một nhà, báo Bưu điện Việt Nam là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ TT&TT, xuất bản 3 kỳ/tuần.
Báo điện tử Infonet (infonet.vn) của báo này xếp vị trí trong tốp 20 báo điện tử trong nước.
Báo có 61 người, hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần chi thường xuyên.
Trong khi đó, báo điện tử VietNamNet, là một thương hiệu được nhiều độc giả trong và ngoài nước biết đến với 9 triệu lượt người xem trung bình/ngày (số liệu thống kê bởi Google Analytics), có một số tổ chức trực thuộc, nhân sự 157 người, hoạt động theo cơ chế của đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí.
Về cơ bản, cơ cấu tổ chức, số lượng người làm việc của báo Bưu điện Việt Nam và VietNamNet trước hợp nhất đã có đầy đủ các bộ phận làm các công tác chuyên môn, bảo đảm tinh gọn, hợp lý. Thu nhập của hai tờ báo cũng có sự khác biệt.
Do hợp nhất nguyên trạng nên có những trùng lắp liên quan nhân sự, nội dung ấn phẩm cần phải điều chỉnh sắp xếp lại tất yếu dẫn đến những xáo trộn, thậm chí gây sốc cho một số bộ phận cán bộ, phóng viên.
BTV, PV Ictnews, chuyên trang của báo VietNamNet làm việc sau khi hợp nhất báo điện tử VietNamNet và báo Bưu điện Việt Nam |
Để đi đến hướng thống nhất, tiến tới khi hòa nhập làm một, bảo đảm hiệu quả hoạt động cho tờ báo, thời gian đầu đòi hỏi sự hợp sức, đồng lòng từ phía lãnh đạo hai tờ báo. Nhà báo Nguyễn Bá chia sẻ, sau sáp nhập, điều quan trọng nhất là kiện toàn bộ máy, trước hết tập trung vào đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của báo. Những lãnh đạo báo Bưu điện Việt Nam lúc đó đã làm hết trách nhiệm của mình, tận tậm tận lực, cùng ban lãnh đạo báo VietNamNet và các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công nhân viên đoàn kết một lòng tìm cách tháo gỡ khó khăn về giấy phép, sắp xếp mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, cơ chế tài chính… phấn đấu đưa báo điện tử VietNamNet và báo Bưu điện Việt Nam tiếp tục phát triển trong ngôi nhà mới. Đồng thời cùng tập thể bảo đảm quyền lợi, thu nhập của cán bộ, nhân viên sau sáp nhập luôn được ổn định.
Kinh nghiệm nằm lòng
Đồng quan điểm với nhà báo Nguyễn Bá, Phó Tổng Biên tập báo VietNamNet về việc cần phải nhanh chóng kiện toàn bộ máy sau khi sắp xếp các đơn vị báo chí, nhà báo Nguyễn Bá Kiên đúc kết ba yếu tố chính cần triển khai đồng bộ. Điều kiện tiên quyết là quyết tâm chính trị và sự quyết đoán từ lãnh đạo cơ quan chủ quản để có thể giải quyết tận gốc, nhanh gọn những vướng mắc nảy sinh khi đụng chạm đến quyền lợi của từng chủ thể trong quá trình sắp xếp.
Bên cạnh đó, bản thân cơ quan báo chí là chủ thể chính, phải nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức và cách thức quản trị. Đây là tiền đề quyết định hiệu quả tái cơ cấu, bởi nếu không đổi mới sẽ không thể tăng được lượng bạn đọc và uy tín của tờ báo, đồng nghĩa với việc không tăng được doanh thu và lợi nhuận, cũng như không cải thiện được đời sống của cán bộ, công nhân viên.
Cùng với đó là thực hiện chính sách một cách nhân văn: Việc cùng lúc có nhiều người ở các cơ quan báo chí khác hội tụ về một cơ quan, sẽ phải mất thời gian để các cá nhân hòa nhập. Do đó, cơ quan báo chí cần lắng nghe nguyện vọng, nhu cầu thực tế của từng bộ phận, cá nhân để bố trí nhân sự kiện toàn tổ chức bộ máy hợp lý.
Từ thực tiễn, nhà báo Nguyễn Bá đề xuất, các tòa soạn sau khi tiến hành hợp nhất, sắp xếp lại rất cần có được một cơ chế đặc thù, tự chủ về tài chính. Việc các ấn phẩm được hạch toán độc lập sẽ giúp tăng cường tính tự chủ; giữ ổn định hoạt động, chất lượng ấn phẩm, giúp tiết giảm đến mức thấp nhất ngân sách nhà nước cấp, góp phần phát triển, giữ cho thương hiệu của các ấn phẩm trực thuộc ổn định, phát triển.
Cần có lộ trình cấp hỗ trợ kinh phí giúp các cơ quan báo chí hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần thực hiện sáp nhập thành công để tiến dần đến tự bảo đảm chi phí.
Nhà báo Nguyễn Bá Kiên đề nghị, các cơ quan chủ quản phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết của việc quy hoạch trong chỉ đạo và cộng đồng trách nhiệm thực hiện, không để các cơ quan báo chí tự lo. Cần nghiên cứu, dự báo bố trí nguồn kinh phí riêng để hỗ trợ người lao động tại các cơ quan báo chí là đối tượng phải sắp xếp, tinh giản. Bởi thực tế không phải cơ quan báo chí nào cũng đủ năng lực tài chính để giải quyết những vấn đề phát sinh. Về lâu dài, để giải quyết tận gốc, đề nghị cơ quan quản lý báo chí sớm đưa ra các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất và con người khi xem xét cấp phép hoạt động cơ quan báo chí.
Đổi mới sắp xếp lại hệ thống báo chí là đòi hỏi tất yếu và cấp thiết. Tuy vậy, quá trình này không chỉ đòi hỏi quyết tâm chính trị cao mà còn cả sự sáng tạo của cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí cụ thể để việc hợp nhất, sắp xếp tạo nên một sự chuyển đổi thực chất thay vì chỉ làm cho có, hay “bình mới rượu cũ”. Kinh nghiệm của những đơn vị đi trước nêu trên chắc chắn sẽ là bài học quý giá để các đơn vị đi sau tham khảo, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
Đội ngũ phóng viên trẻ Báo Giao thông. |
Hoàng Nghĩa Nam/báo Nhân dân