Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2015 sẽ ban hành trước Tết
Chiều 10-2, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cho biết Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), đang tích cực hoàn thiện những khâu cuối cùng Quy chế tốt nghiệp THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015.
Hai quy chế này sẽ ban hành trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cho biết quy chế sẽ được ban hành trước ngày 10-2. Lý giải cho sự chậm trễ này, ông Ga cho biết do Luật Giáo dục nghề nghiệp mới được Quốc hội thông qua hợp nhất trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề; CĐ với CĐ nghề tuy nhiên chưa thống nhất giao cho Bộ nào quản lý nên cần phải xin ý kiến Chính phủ trước khi ra quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ (ban hành cùng quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia).
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, kỳ thi THPT quốc gia nằm trong hai lộ trình đổi mới thi và kiểm tra, nhằm thay đổi cách dạy cách học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Kỳ thi tổ chức theo nguyên tắc lấy lợi ích lâu dài của học sinh làm mục tiêu chính.
Quy chế thi được giữ ổn định đến khi học sinh học theo chương trình sách giáo khoa mới thi tốt nghiệp THPT. Năm 2016 có thể sẽ có thay đổi một vài chi tiết nhưng tổng thể sẽ giữ ổn định. Bộ sẽ tiếp thu và cân nhắc sử dụng lại thang điểm 10.
Đối với thí sinh tự do, thí sinh đăng ký dự thi ở đâu cũng được, miễn là thuận lợi cho các em, không bắt buộc theo nơi cư trú. Thí sinh đang học THPT đăng ký thi theo trường.
Cấu trúc đề thi bao gồm nhiều câu, trong đó có câu dễ và câu khó. Mô hình, cơ cấu câu hỏi trong đề thi giống các năm trước. Bộ sẽ cân nhắc cho thí sinh mang atlat vào phòng thi.
Tất cả các trường đều có quyền xét đợt 1, trường nào thiếu sẽ xét các đợt tiếp theo. Trường ĐH, CĐ tuyển vượt chỉ tiêu vài phần trăm có thể chấp nhận được. Nếu cố ý tuyển vượt chỉ tiêu nhiều hơn sẽ bị xử lý.
Về cụm thi tỉnh và liên tỉnh: Chọn phương án tố chức thi như đã nêu trong quyết định 3538. Mỗi cụm thi liên tỉnh phải bao gồm ít nhất 2 tỉnh. Duy trì cụm thi địa phương để giúp thí sinh khó khăn và chỉ muốn xét tốt nghiệp THPT. Cụm thi này cũng do các trường ĐH chủ trì.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lưu ý Bộ GD&ĐT: “Chính sách của chúng ta đưa ra nhưng ảnh hưởng đến một bộ phận người dân thì cần phải tính rất kỹ, có giải pháp thật tốt. Đây là điểm chúng ta hết sức lưu ý. Bộ GD&ĐT cần xem xét đến mọi trường hợp trước khi công bố quy chế chính thức, thậm chí cả phương án tổ chức thi tốt nghiệp tại trường cho số thí sinh không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH-CĐ”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương để có tính toán đảm bảo quyền lợi tối đa của học sinh. Đổi mới trong thi cử, tổ chức kỳ thi đạt mục đích, yêu cầu, chất lượng nhưng phải tạo thuận lợi nhất cho người dân, ít nhất cũng phải bằng hiện tại.
Nguồn PLO