"Quốc hội cần mạnh dạn chỉ rõ cấp trung gian là cấp nào để giảm cho đúng"
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính là việc phức tạp
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cho biết, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là việc lớn, quan trọng nhưng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. 7 năm qua, cải cách bộ máy hành chính nhà nước đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật, còn nhiều tồn tại yếu kém được báo cáo giám sát nêu khá đầy đủ.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu |
Qua nghiên cứu báo cáo, ĐB Hữu Cầu nhận thấy báo cáo của Chính phủ, Quốc hội kết hợp với thực tiễn thời gian qua còn mờ nhạt, chưa đậm nét, thiếu vắng một số vấn đề.
Cụ thể: có 2 đánh giá kết luận rất quan trọng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần "bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng lớp trung gian, tình trạng bộ trong bộ càng nặng nề thêm. Xuất phát từ đánh giá này, nên trong dự thảo Nghị quyết của QH tại trang 4 ghi rõ "giảm cấp trung gian”. Nhưng ĐB này cũng thẳng thắn đặt vấn đề “cấp trung gian là cấp nào, tình trạng bộ trong bộ xảy ra ở đâu thì trong báo cáo giám sát không chỉ rõ”.
“Tổng cục có phải là cấp trung gian không, là bộ trong bộ không? Trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ có 17 đơn vị có tổng cục. Còn 5 bộ và cơ quan ngang bộ không có tổng cục. Thử hỏi 5 bộ không có tổng cục vẫn hoạt động bình thường như thời gian qua như Bộ Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban dân tộc.
Số lượng tổng cục hiện nay của 17 bộ là 40, dưới tổng cục là có các cục, vụ, văn phòng, phòng, chi cục. Trong bộ máy các bộ này vừa có văn phòng bộ vừa có văn phòng tổng cục mà văn phòng thì rõ ràng là phục vụ. Với phân tích trên đề nghị QH nên làm rõ cấp trung gian là cấp nào để giảm cho đúng. Đã đến lúc QH cần mạnh dạn chỉ rõ cấp trung gian trong các bộ ngành chính là cấp tổng cục và cấp phòng trong các vụ cục, cần phải giảm”- ĐB Hữu Cầu nhấn mạnh.
Theo ĐB Cầu, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, tế nhị, không thể cào bằng vì mỗi bộ ngành có một đặc điểm riêng nhưng dứt khoát phải giảm chứ không để nhiều như hiện nay.
“Sắp tới một số bộ ngành có cấp tổng cục đang nhìn nhau và nếu xảy ra tình trạng quyết không đi đầu thì bao giờ chúng ta mới giảm được cấp trung gian”- ông Cầu bày tỏ.
Vấn đề thứ hai cũng được đại biểu Hữu Cầu đặt ra đối với bộ máy hành chính đó là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, kỷ luật công vụ được đề cập mờ nhạt trong báo cáo. Vấn đề nhức nhối được cử tri quan ngại đó là tình trạng cán bộ công chức viên chức thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, vi phạm kỷ luật, bằng cấp giả, chạy chức chạy quyền bổ nhiệm thần tốc, tình trạng trên bảo dưới không nghe, coi thường kỷ luật kỷ cương hành chính vẫn còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều nơi. Nền đạo đức công vụ, kỷ luật công vụ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự ngiệp công lập còn nhiều tồn tại. Đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp vẫn còn mơ hồ, chưa được quy định cụ thể; kỷ luật kỷ cương áp dụng cho đối tượng vi phạm còn rất chậm chạp và khó khăn.
“Chính vì thế biện pháp hữu hiệu nhất là phải có chế tài đủ mạnh, biện pháp xử lý nghiêm khắc, khẩn trương nghiên cứu đưa ra bộ quy tắc điều chỉnh hành vi chuẩn mực đạo đức công vụ được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, tức là pháp lý hoá, chuẩn mực đạo đức ông vụ và đạo đức ngề nghiệp. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy những người mất đạo đức, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức.” – ĐB Cầu thẳng thắn bày tỏ.
Giảm biên chế và cấp phó
Trước đó, trong báo cáo của Đoàn giám sát đã đề xuất và kiến nghị 6 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, QH và UB Thường vụ QH tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở TƯ và của mỗi cấp chính quyền địa phương; không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.
Đối với Chính phủ, đoàn giám sát đề nghị, trong năm nay khẩn trương hoàn thành các văn bản, trong đó có việc ban hành nghị định về tiêu chí thành lập và thống nhất mô hình tổ chức phòng, vụ, cục, tổng cục thuộc bộ và phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh...
Tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong bộ máy hành chính nhà nước theo nguyên tắc 1 cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng 1 việc chỉ giao cho 1 cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau, khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước.
Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong bộ ngành phải tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm số lượng đầu mối; giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định.