Quảng Ninh: Giảm thiểu rác thải nhựa góp phần bảo vệ môi trường
Hiện nay, rác thải nhựa phát sinh với số lượng ngày càng gia tăng đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sống.
Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Quảng Ninh tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình phát động ra quân dọn vệ sinh môi trường; phối hợp tham gia các dự án về bảo vệ môi trường, thu gom, tái chế rác thải nhựa, giảm thiểu rác phát sinh.
Tại các chợ, siêu thị cũng đã triển khai một số giải pháp hữu hiệu, từng bước giảm thiểu rác thải nhựa. Đơn cử, siêu thị Big C Hạ Long đã thực hiện sử dụng các loại túi sinh học tự hủy thay thế túi nilon thông thường để khách hàng đựng thực phẩm; bán túi chuyên dụng đi siêu thị có thể dùng nhiều lần hoặc đóng hàng bằng thùng giấy; sử dụng khay inox đựng thực phẩm thay cho hộp xốp và hộp nhựa không tái chế được.
Đồng thời, ưu tiên nhập hàng từ nhà cung cấp có sử dụng chất liệu bao gói sản phẩm thân thiện với môi trường bằng giấy, lá cây, mây tre đan...
Đặc biệt, Ban Quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long đã triển khai nhiều phương án nhằm giảm thiểu hoàn toàn rác thải nhựa trên vịnh, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch bền vững.
Thu gom rác thải nhựa trên vịnh Hạ Long |
Ông Phạm Văn Hùng, Phó trưởng BQL Vịnh Hạ Long, cho biết: Nhằm đưa phong trào được triển khai sâu rộng, đảm bảo thực chất, BQL Vịnh Hạ Long đã quyết liệt triển khai đồng bộ các chương trình, hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa tại khu vực Di sản Thiên nhiên thế giới qua các mô hình.
Theo đó, BQL yêu cầu du khách không mang và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khi tham quan Vịnh Hạ Long; sẽ tiến hành phân loại rác tại các điểm tham quan trên vịnh; lắp đặt thùng rác nổi, thu gom rác thải trôi nổi, thay thế phao xốp trong các công trình nổi trên vịnh...
Cùng với đó, công tác tuyên truyền được Ban đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp, du khách... trong việc chung tay bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.
Với sự vào cuộc tích cực, chủ động của BQL vịnh và các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch, đến nay đã giảm trên 90% rác thải nhựa trong các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Theo đó, hình ảnh du khách mang theo chai nước, ống hút nhựa đi kèm, rồi vỏ khăn giấy lau bằng ni-lông, túi ni-lông đựng đồ khi mua hàng.... đã giảm đi rất nhiều.
Thay vào đó là việc mỗi du khách tự nguyện để lại đồ nhựa dùng một lần trên bờ và khi có nhu cầu thì sẵn sàng sử dụng các loại chai nước thủy tinh, cốc giấy, túi giấy đã được các cửa hàng dịch vụ trên vịnh chuẩn bị, bày bán phổ biến.
BQL Vịnh Hạ Long đã lắp đặt gần 1.050 biển cố định, biển di động, poster với nội dung thông báo “Không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần” đặt tại cảng tàu, các điểm tham quan trên vịnh, trên các tàu thuyền du lịch... Đồng thời, tổ chức ký bản cam kết “Không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long” với trên 300 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, dịch vụ kayak, doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản.
Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề cao việc nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách về sản xuất, tiêu dùng bền vững, quản lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên.
Cùng với đó là đẩy mạnh thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng, xử lý, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nhựa, bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy để thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa khó phân hủy.
Tỉnh Quảng Ninh cũng kêu gọi các doanh nghiệp giảm thiểu sản xuất, cung ứng, tiêu thụ, phát sinh, phát thải chất thải nhựa trong quá trình sản xuất; nghiên cứu sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường.
Sắp tới, các đơn vị trong tỉnh phấn đấu không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong các hoạt động thường xuyên, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện do cơ quan nhà nước trong tỉnh chủ trì và phối hợp tổ chức.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu nói không với sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Mỗi một cá nhân trong cộng đồng tham gia phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi thu gom.
Hoàng Thanh