Quảng Ninh: Đầu tư đồng bộ hạ tầng điện lưới góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH
Lắp đặt máy biến áp cho dự án đưa điện ra đảo Cái Chiên. |
Xác định phát triển hệ thống lưới điện là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy KT-XH tại các địa phương, chính vì vậy, trong một vài năm trở lại đây, Quảng Ninh triển khai thực hiện tốt công tác đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh, qua đó đã tạo lập được hệ thống lưới điện đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện được lập tại từng giai đoạn cộng với sự phối hợp, quan tâm của ngành điện, nhiều công trình đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng. Trong vòng 5 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công ty Điện lực Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực để triển khai hàng trăm dự án, công trình cấp điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Trong đó phải kể đến Dự án đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn (giai đoạn 1 và 2) chính thức được khởi công vào tháng 10-2011, với số vốn đầu tư của ngành điện là 222,4 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đầu tư 150,3 tỷ đồng và hỗ trợ kinh phí vay vốn đầu tư cho ngành điện trong vòng 5 năm. Tháng 6-2013, dự án chính thức hoàn thành, tại các bản, làng đã có lưới điện quốc gia, qua đó, nâng tỷ lệ số hộ gia đình được sử dụng điện ở khu vực nông thôn đạt trên 98% và trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước mang điện lưới đến tất cả các thôn, khe, bản. Hơn 12.000 hộ dân được hưởng lợi từ dự án đã sử dụng điện lưới để phát triển kinh tế gia đình như: mở cơ sở sản xuất cơ khí, chế biến nông sản, cửa hàng điện tử, điện lạnh...
Tiếp đó, năm 2012, Dự án đưa điện ra huyện đảo Cô Tô đã được đưa vào quy hoạch và triển khai thực hiện đầu tư. Đây là dự án quan trọng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống người dân, góp phần giữ vững an ninh biển đảo và chủ quyền quốc gia. Sau 350 ngày, đêm khẩn trương thi công với tinh thần “thần tốc, táo bạo, sáng tạo”, dòng điện lưới quốc gia đã vươn ra huyện đảo Cô Tô, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Việc hoàn thành 2 dự án trọng điểm trên đã nâng tỷ lệ số hộ có điện lưới quốc gia của Quảng Ninh lên 99,45%, tăng 5,15% so với năm 2010 và chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh. Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc giúp các xã cơ bản đạt tiêu chí về điện nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nối tiếp những thành công trên, tháng 4-2014, Quảng Ninh tiếp tục triển khai Dự án đưa điện lưới ra các xã đảo huyện Vân Đồn với tổng số vốn 312 tỷ đồng. Sau gần 9 tháng thi công, công trình đã hoàn thành, nhân dân 5 xã đảo huyện Vân Đồn đã có điện lưới quốc gia sử dụng. Việc đầu tư xây dựng các công trình đưa điện lưới ra 5 xã đảo huyện Vân Đồn có ý nghĩa hết sức to lớn về kinh tế, xã hội quốc phòng, an ninh không những của tỉnh Quảng Ninh mà còn là của đất nước. Đây là một trong những tiền đề để xây dựng Vân Đồn trở thành Khu hành chính kinh tế đặc biệt.
Cùng với đó, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh và ngành điện, dự án cấp điện ra đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng đã tiếp tục được khởi công và hoàn thành chỉ sau gần 2 tháng thi công với sự nỗ lực của các đơn vị nhà thầu, chủ đầu tư, chính quyền địa phương. Dự án hoàn thành vượt tiến độ trước 6 tháng. Đây chính là món quà vô giá với 600 người dân xã đảo Cái Chiên…
Với hàng loạt công trình đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển lưới điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa. Đến nay, toàn tỉnh đã đạt 99,86% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 97,9% xã đạt tiêu chí điện nông thôn.
Ngoài việc tập trung nguồn lực đầu tư cho công trình lưới điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, tỉnh cùng với ngành điện quan tâm đầu tư hạ tầng điện cho các KCN, KKT, khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, góp phần thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh. Với phương châm điện đi trước một bước, trên cơ sở quy hoạch hệ thống điện tại các KCN, KKT, khu du lịch trọng điểm, những năm qua, tại các KCN, KKT, khu du lịch trên địa bàn, nhiều công trình đã được ngành điện đầu tư bảo đảm cấp điện cho các KCN Texhong Hải Hà, KCN Hải Yên, KCN Cái Lân, KKT Vân Đồn... tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm đi vào sản xuất. Cụ thể như năm 2015, các dự án quan trọng như Dự án đường dây 220kV Cẩm Phả - Hải Hà và trạm biến áp 220kV KCN Hải Hà; dự án xuất tuyến 110kV sau trạm 220kV KCN Hải Hà đã hoàn thành và đóng điện đưa vào sử dụng, góp phần cung cấp an toàn, ổn định cho khu vực miền Đông của tỉnh…
Tuy nhiên, để bảo đảm đủ nguồn và lưới điện phục vụ cho nhu cầu sử dụng điện phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm tiếp theo cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, Quảng Ninh đang cùng với ngành điện nghiên cứu tiếp tục đầu tư hệ thống điện tại một số địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế như Quảng Yên, Hạ Long, Vân Đồn, Đầm Hà và các khu vực có chất lượng điện yếu với mục tiêu phải có một hệ thống lưới điện cấp ổn định, lâu dài phục vụ phát triển KT-XH, đặc biệt là việc cấp điện cho các dự án của nhà đầu tư chiến lược của tỉnh.
Đặc biệt để đảm bảo mục tiêu phát triển đến năm 2020, hầu hết 100% các hộ dân được sử dụng điện, tỉnh Quảng Ninh đã dành 55 tỷ đồng tiền ngân sách để đầu tư cấp điện cho 523 hộ thuộc 87 cụm, điểm dân cư trên địa bàn 8 địa phương Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đông Triều, Hoành Bồ, Đầm Hà, Móng Cái chưa được sử đụng điện. Tỉnh cũng giao Công ty Điện lực Quảng Ninh thực hiện sẽ hoàn thành dự án vào năm 2018.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các địa phương rà soát và cùng với ngành điện lập phương án đầu tư tổng thể các tuyến đường nhánh hạ áp đã xuống cấp làm ảnh hưởng đến chất lượng điện, gây nguy cơ mất an toàn về điện rất cao, nhằm nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng.
Như vậy, trong thời gian tới, khi những dự án trên hoàn thành, đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân cũng như đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các địa phương sẽ ngày một tốt hơn. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cung ứng điện, tăng sản lượng điện thương phẩm, giữ vững an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.