Quảng Nam sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 đưa sản phẩm Ocop tham gia thị trường xuất khẩu
Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025, bình quân mỗi xã có ít nhất 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; cả tỉnh có ít nhất 5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh đạt 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ...
Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (Ocop) giai đoạn 2021-2025 Quảng Nam đề ra mục tiêu củng cố, nâng cấp hơn 200 sản phẩm Ocop được UBND tỉnh quyết định công nhận hạng 3 sao trở lên trong giai đoạn 2018-2020.
Cùng với đó, phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm; trong đó tập trung chế biến, chế biến sâu để gia tăng giá trị, theo chuỗi các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh; phát triển các sản phẩm thuộc nhóm ngành dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch và các sản phẩm thế mạnh khác. Đến năm 2025, bình quân mỗi xã có ít nhất 2 sản phẩm Ocop đạt 3 sao trở lên. Cả tỉnh Quảng Nam có ít nhất 5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh đạt 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu.
Gạo an toàn Ái Nghĩa đạt 3 sao Ocop năm 2019. |
Củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia Ocop Quảng Nam có ít nhất 50 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm Ocop được củng cố, nâng cấp. Phát triển mới ít nhất 80 tổ chức kinh tế tham gia chương trình Ocop; trong đó, 30 doanh nghiệp, 50 Hợp tác xã. Xây dựng 45 điểm bán hàng Ocop, 10 trung tâm Ocop cấp huyện, 2 trung tâm Ocop cấp tỉnh, 1 trung tâm Ocop cấp vùng.
Để thực hiện tốt các mục tiêu chương trình Ocop giai đoạn tới, Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó sẽ tập trung phát triển sản phẩm theo chuỗi các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và các sản phẩm thế mạnh khác, theo hướng đa dạng hóa, chế biến sâu. Coi trọng cả “sản phẩm tốt và bán hàng tốt”, trong đó “sản phẩm tốt” là quan trọng, “bán hàng tốt” là quyết định.
Củng cố hệ thống tổ chức tham mưu, thực hiện chương trình Ocop từ tỉnh đến cơ sở. Ở tỉnh, sẽ thành lập một Phòng chuyên trách về Chương trình Ocop trực thuộc Chi cục Phát triển nông thôn hoặc Văn phòng Điều phối Nông thôn mới nhằm đảm đảo việc tham mưu chương trình theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp hóa. Ở cấp huyện, cần bố trí nhân lực cho Ocop, cần có cán bộ chuyên trách cho Ocop, thực tiễn cho thấy cán bộ Ocop cấp huyện có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện chương trình. Ở cấp xã, cán bộ nông nghiệp/cán bộ kinh tế xã là cán bộ Ocop; nghiên cứu để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền có chế độ phụ cấp đối với người làm công tác này ở cấp cơ sở.
Cùng với đó, tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình Ocop giai đoạn 2021-2025; trong đó, ưu tiên hỗ trợ những nội dung giúp chủ thể nâng cao năng lực, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cấp, phát triển hoàn thiện sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Ưu tiên phát triển sản phẩm theo chiều sâu, không chạy theo số lượng. Ưu tiên hỗ trợ các chủ thể là HTX và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phát huy tốt hơn nữa hoạt động của tổ liên ngành cấp tỉnh trong viêc định kỳ hàng năm, mỗi năm ít nhất 2 lần xuống hỗ trợ địa phương, hướng dẫn, giúp đỡ cộng đồng và các chủ thể trong quá trình triển khai Ocop, với sự tham gia của các chuyên viên giỏi, có kinh nghiệm đến từ các ngành liên quan. Đây là kinh nghiệm của Quảng Nam đã triển khai gần 3 năm qua và cho thấy hiệu quả tốt; đặc biệt là tạo được mối quan hệ gần gủi giữa cán bộ Ocop và người dân, tạo được niềm tin của chủ thể đối với chương trình.
Giai đoạn 2021-2025, bên cạnh chú trọng hỗ trợ phát triển sản phẩm hướng đến chất lượng cao hơn, an toàn hơn, tỉnh Quảng Nam sẽ quan tâm, chú trọng và dành nguồn kinh phí thỏa đáng để triển khai các nội dung liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm Ocop được công nhận, xây dựng thương hiệu Ocop; đây là yếu tố quyết định sự thành bại của chương trình Ocop.
Tỉnh sẽ tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm Ocop gắn với các sự kiện văn hóa, hoạt động du lịch do Trung ương, địa phương, các đơn vị có liên quan tổ chức. Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn đối tác Ocop để kết nối cung cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Ocop; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thương mại điện tử trong việc tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hàng hóa.
Thảo Nguyên