Quảng Bình: Hỗ trợ phụ nữ Lệ Thủy phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo
Hội phụ nữ huyện Lệ Thủy hiện có 26.112 hội viên phụ nữ, chiếm 88% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, sinh hoạt trong 29 cơ sở hội. Đây là lực lượng lao động nữ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong năm 2017, Hội LHPN huyện Lệ Thủy đã cụ thể hóa nội dung hoạt động để phù hợp với tình hình, nhằm đem lại hiệu quả cao trong công tác. Hội phụ nữ huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội tập trung công tác giúp đỡ phụ nữ nghèo, đỡ đầu phụ nữ chủ hộ nghèo, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các hình thức hỗ trợ linh động, phù hợp theo phương châm “cần gì giúp nấy” như hỗ trợ về cây con giống, vốn, kiến thức... Nhờ vậy, hàng chục hội viên đã thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá.
Nhiều hộ dân ở xã Trường thủy (huyện Lệ Thủy) trồng giống cây cam mật cho thu nhập kinh tế cao. |
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” là một trong những vấn đề được các cấp hội rất tập trung triển khai. Thông qua đề án này, Hội phụ nữ huyện phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chủ động trong công tác đào tạo nghề, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế tại các xã biển; Phối hợp với Phòng LĐTBXH thực hiện Đề án trồng cây nhang nguyên liệu tại xã Thái Thủy, lộ trình 2 năm 2017, 2018, với đề án này có 17 thành viên phụ nữ tham gia, các hộ được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật xây dựng vùng nguyên liệu cây nhang, kinh phí thực hiện trên 400 triệu đồng, trong đó UBND huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, đến nay đã trồng được 80 ha.
Bên cạnh đó, Hội phụ nữ Lệ Thủy còn tiếp tục làm tốt công tác ký uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, vốn vay ưu đãi cho học sinh, sinh viên, vốn giải quyết việc làm. Các thành viên vay vốn đều tham gia “tổ, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm” trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm giúp nhau phát triển, huy động vốn trong chị em.
Nhờ nguồn vốn này ngày càng có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi do phụ nữ làm chủ hộ. Đến nay, với 6 loại hình tiết kiệm, toàn huyện có 3.254 nhóm, thu hút trên 89% hội viên tham gia đã tiết kiệm được trên 20,9 tỷ đồng giúp cho 58.792 lượt hội viên phụ nữ gặp khó khăn, hoạn nạn ổn định cuộc sống.
Tiêu biểu là các mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản ở Sen Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy đã thành lập được 87 nhóm với 1.718 thành viên, tiết kiệm mới trong năm 5 tỷ đồng. Mỗi hội viên tham gia ít nhất một loại hình tiết kiệm.
Nhiều hộ gia đình phụ nữ làm chủ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. |
Để sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, Hội phụ nữ các cấp còn phối hợp với Hội Nông dân hướng dẫn các hội viên về kiến thức đầu tư sản xuất, kinh doanh, vận động chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt, đem lại lợi nhuận cao. Nhờ đó có nhiều mô hình phát triển kinh tế chuồng trại được xây dựng, cuộc sống kinh tế các hộ dân không ngừng được nâng lên.
Các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát các chính sách liên quan đến công tác phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới… đã được cán bộ, hội viên, phụ nữ Lệ Thủy hưởng ứng tích cực.
Thông qua các chương trình công tác và phong trào thi đua để tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức và sự hiểu biết về mọi mặt, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Từ đó xây dựng, rèn luyện phụ nữ Lệ Thủy theo 4 chuẩn mực: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển.