Quan tâm đến nghề Công tác xã hội ở Phú Yên
Đối tượng trợ giúp của công tác xã hội là cá nhân, gia đình, nhóm người hay cộng đồng đang trong hoàn cảnh có vấn đề. Khi họ gặp phải khó khăn trong cuộc sống và không tự giải quyết được họ mong muốn có sự trợ giúp. Người nghèo cần có sự trợ giúp về vật chất và tinh thần để vượt qua nghèo khó. Người giàu khi rơi vào hoàn cảnh khủng hoảng tinh thần (như phá sản, thua lỗ, sức ép công việc hay sự cạnh tranh trong kinh doanh...) đều có thể cần tới sự can thiệp trợ giúp của nhân viên xã hội. Tuy nhiên, đối tượng thường được hướng tới trong hoạt động trợ giúp của CTXH là những nhóm người yếu thế như người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, những người bị HIV/AIDS hay những người mại dâm ma tuý...
Trung tâm cung cấp dịch vụ nghề CTXH để tiếp nhận các thông tin, đánh giá nhu cầu, tư vấn và hướng dẫn giúp đỡ |
Triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Phú Yên đang đặt ra mục tiêu phát triển nghề CTXH thành một nghề, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH. Đến đến năm 2015, tăng 10% số lượng nhân viên CTXH ở các cấp; xây dựng một trung tâm cung cấp dịch vụ nghề CTXH để tiếp nhận các thông tin, đánh giá nhu cầu, tư vấn và hướng dẫn giúp đỡ các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần vào xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.
Theo báo cáo của các ngành, địa phương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 300.000 người đang được hỗ trợ các dịch vụ xã hội, chiếm hơn 35% dân số cả tỉnh, trong đó, có hơn 19.000 đối tượng là người khuyết tật, 2.500 trẻ mồ côi, 15.000 đối tượng bảo trợ xã hội hàng tháng và hơn 89.000 người cao tuổi, 30.000 đối tượng chính sách ưu đãi và hơn 100.000 người đang phải sống trong vùng thường xuyên xảy ra bão lũ, lụt lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn cần sự cứu trợ hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, còn có hàng chục ngàn cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề phức tạp như ly hôn, bao lực gia đình, xâm hại trẻ em…tất cả những đối tượng và hoàn cảnh nêu trên nếu không có sự chăm sóc, giúp đỡ kịp thời của chính quyền và các hội đoàn thể xã hội sẽ dẫn đến bế tắc trong cuộc sống.
Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm chăm sóc. |
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện đề án, tỉnh đã gặp phải một số khó khăn nhất định như kinh phí bố trí cho đề án còn ít. Lực lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ, chuyên viên, cộng tác viên làm CTXH còn hạn chế, chưa đáp ứng được việc thực hiện các hoạt động trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội đông như hiện nay của tỉnh. Trong những năm qua, để trợ giúp các đối tượng bảo trợ, yếu thế trong xã hội, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách như: tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trợ cấp xã hội hàng tháng và tiếp nhận, chăm sóc nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2 cơ sở bảo trợ xã hội, 1 cơ sở chữa bệnh, giáo dục, lao động, xã hội, 1 trung tâm công tác xã hội trẻ em, 1 trung tâm giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật và 3 nhà cứu trọ trẻ em tàn tật. Các cơ sở nêu trên đã và đang nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho trên 300 đối tượng yếu thế, với tổng số nhân viên xã hôi khoảng gần 80 người. Bên cạnh đó, còn có hơn 550 cán bộ, nhân viên tham gia CTXH làm việc trong các cơ quan, quản lý nhà nước, tổ chức xã hội. Đây là đội ngũ nhân viên trực tiếp làm việc với các cá nhân, nhóm gia đình để giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như ý tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…
Tuy nhiên, do CTXH là một lĩnh vực mới, nhận thức của các ngành, các cấp và người dân còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người tâm thần còn ít; phương pháp chăm sóc, điều trị, trợ giúp đối tượng còn hạn chế… nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của các chính sách xã hội và công tác trợ giúp các đối tượng yếu thế của tỉnh.
Bài viết phục vụ tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (Đề án 32)